NỘI DUNG THÔNG TIN THỜI SỰ TUẦN 2 THÁNG 12/2023
(Các sự kiện thời sự nổi bật diễn ra từ ngày
04/12/2023-10/12/2023)
-----
1.
Tin Quốc tế
1.1.Việt Nam trúng cử Phó
chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO
Ngày 8/12, trong khuôn khổ
Kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa
phi vật thể (Công ước 2003) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp
quốc (UNESCO) diễn ra ở thành phố Kasane (Cộng hòa Botswana), Việt Nam đã được
tín nhiệm bầu vào vị trí Phó chủ tịch Ủy ban, đại diện cho khu vực châu Á-Thái
Bình Dương. Đây là lần thứ 2 Việt Nam là thành viên của cơ quan điều hành Công
ước 2003, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ 2006-2010.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân,
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, cho biết, việc Việt Nam
thêm lần nữa được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch một trong những cơ quan chuyên
môn then chốt của UNESCO đã khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt
Nam trên trường quốc tế, cho thấy sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối
với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại UNESCO, cũng như
ghi nhận đóng góp tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác văn hóa nói
chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, góp phần vào thúc đẩy vai trò của
văn hóa và di sản cho sự phát triển bền vững, bao trùm và tự cường ở tầm quốc
gia, khu vực và toàn cầu. Đây cũng là một minh chứng nữa về việc Việt Nam đã
triển khai thành công đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập
quốc tế toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị
25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm
2030.
Với tư cách Phó chủ tịch Ủy
ban liên chính phủ Công ước 2003, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc
hoàn thiện, triển khai các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan
trọng của di sản văn hóa phi vật thể như một động lực cho phát triển bền vững,
đa dạng văn hóa, sáng tạo và đối thoại giữa các nền văn hóa, gắn kết xã hội,
tăng cường sự tham gia của cộng đồng, phụ nữ và giới trẻ.
1.2. Tổng thống V.Putin
tái tranh cử: Dư luận Nga thế nào?
Sau khi Tổng thống
Vladimir Putin tuyên bố tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống LB Nga ngày
17/3/2024, chính giới và dư luận Nga đã bày tỏ ủng hộ quyết định này.
Chủ tịch Hội đồng Liên
bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko tuyên bố đồng hành cùng Tổng thống
Putin trong sự kiện chính trị quan trọng này. Bày tỏ trên tài khoản Telegram của
mình ngày 8/12, bà khẳng định ủng hộ quyết định của nhà lãnh đạo Nga, cho rằng
điều này giúp cho đại đa số người dân Nga vốn luôn tin tưởng vào tổng thống sẽ
tiếp tục đi bỏ phiếu với sự tín nhiệm cao.
Chia sẻ quan điểm này,
Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang, quan chức đảng Nước Nga Thống nhất
Andrei Turchak bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ lớn dành cho Tổng thống đương nhiệm
Putin trong cuộc bầu cử tháng 3 năm sau.
Trong khi đó, nhà khoa học
chính trị Marat Bashirov cho rằng với quyết định kịp thời ứng cử tổng thống Nga
vào tháng 3/2024, Tổng thống Putin đã "mang lại niềm tin cho quá trình bầu
cử".
Trước đó, ngày 8/12,
tuyên bố từ Điện Kremlin, Tổng thống Putin khẳng định ông sẽ tham gia cuộc bầu
cử tổng thống vào năm sau. Nhiệm kỳ hiện nay của ông sẽ hết hạn vào ngày
7/5/2024.
1.3. Israel quyết tâm phi
quân sự hóa dải Gaza
Tờ “Times of Israel” ngày
6/12 dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định dải Gaza sẽ phải được
phi quân sự hóa sau cuộc chiến hiện nay với Hamas.
Tuyên bố trên được Thủ tướng
Israel đưa ra trong buổi họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và
Bộ trưởng Nội các chiến tranh Benny Gantz.
Thủ tướng Netanyahu cũng
cho biết kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy các lực lượng quốc tế đã không phát
huy được hiệu quả trong nỗ lực phi quân sự hóa những khu vực có lực lượng thù địch
với Israel và ông sẽ không chấp nhận thỏa thuận như vậy ở Gaza.
2.
Tin trong nước
2.1. Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng tiếp Thủ tướng Belarus
Chiều 8/12, tại trụ sở
Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Thủ tướng Belarus Roman
Golovchenko nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
hoan nghênh Thủ tướng Roman Golovchenko thăm chính thức Việt Nam và chúc mừng
Belarus đã đạt được nhiều thành công trong duy trì ổn định chính trị, phát triển
đất nước, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao vị thế trong khu vực.
Tổng Bí thư bày tỏ sự
trân trọng đối với sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Belarus qua các thời kỳ;
khẳng định điều đáng mừng là thời gian qua, thế giới đã có những thay đổi nhưng
hai nước Việt Nam và Belarus vẫn giữ gìn quan hệ truyền thống và phát huy quan
hệ hợp tác trong việc đào tạo nhân lực cho Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
thông báo với Thủ tướng Roman Golovchenko về những thành tựu to lớn, toàn diện
của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới; đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ
đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; khẳng định đường lối đối
ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương
hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng phát
triển và củng cố quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Belarus,
và với các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Tổng Bí thư nhắc lại sự
giúp đỡ của Liên Xô trước đây, trong đó có Belarus và đề nghị Chính phủ Belarus
tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc
ở Belarus.
Thủ tướng Roman
Golovchenko bày tỏ vui mừng và chúc mừng những thành tựu to lớn và kết quả quan
trọng mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, nhất là triển khai hiệu quả
trọng tâm các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao tiềm lực, vị thế
và uy tín quốc tế của đất nước; bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp
tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp
xây dựng và phát triển đất nước...
2.2. Chủ tịch nước Võ Văn
Thưởng tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV
Ngày 5/12, tại huyện Hòa
Vang, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng
đã dự Hội nghị tiếp xúc cử tri để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa
XV; đồng thời ghi nhận, tiếp thu ý kiến của cử tri.
Tại Hội nghị, cử tri đã
nêu ra nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến một số lĩnh vực được cử tri và
người dân quan tâm như: Công cuộc phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực; việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc và trang thiết
bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh; bất cập trong phân luồng giáo dục
Trung học cơ sở.... Cử tri đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát công tác
phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng, hối lộ, lợi
dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát; đồng
thời tăng cường giám sát việc thi hành án trong những vụ án tham nhũng; có giải
pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước thật sự trong sạch, nhất là
đội ngũ làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những người làm nhiệm vụ
thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Phát biểu tại buổi tiếp
xúc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thông báo với cử tri về tình hình đất nước năm
2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và
cũng là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 -
2025.
Theo đó, trong bối cảnh
tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng
toàn cầu nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế đất nước
ta vẫn tăng trưởng khoảng 5%, được thế giới đánh giá là “điểm sáng phát triển
kinh tế". An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Các chỉ tiêu giáo dục, y tế,
đặc biệt là giảm nghèo… đạt những kết quả đáng khích lệ. Quốc phòng, an ninh cơ
bản được giữ vững, giải quyết các vấn đề kịp thời, giữ được môi trường hòa
bình, ổn định, tiếp tục phát triển đất nước.
Đề cập đến lĩnh vực điểm
nhấn, có nhiều thành tựu đặc biệt quan trọng năm 2023 của đất nước, Chủ tịch nước
Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, phong phú, thiết
thực, hiệu quả trên tất cả các kênh, từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối
ngoại nhân dân trên tất cả các địa bàn và đối tác.
Chủ tịch nước cho biết,
các nước đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Việt Nam; nhất là trong khắc phục
khó khăn để trở thành điểm sáng về kinh tế. Đường lối đối ngoại của Việt Nam đa
dạng hóa, đa phương hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, với tinh thần là bạn,
là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, được thế giới đánh
giá cao. Những điều đó giúp vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế được
tăng lên.
Cùng với đó, công tác xây
dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đạt kết quả quan trọng, nhất là trong
công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực….
2.3.Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị “Diên Hồng” về tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền
kinh tế
Sáng 7/12, tại trụ sở
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp
tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng
trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, trước những khó khăn, thách
thức của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, ngân
hàng, người dân đã nỗ lực, cố gắng để khắc phục, thúc đẩy phát triển. Tuy
nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó,
Chính phủ tổ chức hội nghị “Diên hồng” để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về
tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định
kinh tế vĩ mô.
Theo Thủ tướng Chính phủ,
tình hình kinh tế thế giới đang có những khó khăn chung, song ở mỗi nước có những
khác nhau. Vấn đề toàn cầu cần có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa
phương; vấn đề toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; song phải nghiên cứu
kinh nghiệm thế giới, vận dụng sáng tạo vào tình hình Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ nhấn
mạnh, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển
của ngân hàng, doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển
của nền kinh tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội đã đúc rút 5 bài học chủ yếu, trong đó có bài học về đại đoàn kết
toàn dân tộc và bài học nhân dân làm nên lịch sử. Chúng ta phải vận dụng những
bài học này để xây dựng, phát triển đất nước, nhất là trước khó khăn, thách thức.
Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Việt Nam đang
xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó phải có lộ
trình tiến tới giảm điều hành thị trường bằng công cụ hành chính mà phải sử dụng
công cụ thị trường để điều hành thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
yêu cầu các đại biểu phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật; lắng nghe,
tiếp thu ý kiến của nhau; cố gắng, nỗ lực, quyết tâm và nhường nhịn, hy sinh;
đóng góp sáng kiến để cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển, trên tinh
thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”...
2.4. Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt
Nam
Sáng 5/12, tại Thủ đô
Viêng Chăn, Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc và Phiên toàn
thể đầu tiên của Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV)
lần thứ nhất. Hội nghị có sự tham dự của hơn 350 đại biểu là đại biểu Quốc hội,
đại diện các bộ, ngành và địa phương của ba nước, đại diện của Ngân hàng thế giới
(WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản
(JICA) và Hàn Quốc (KOICA).
Phát biểu khai mạc hội
nghị, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphon Phomvihane nhấn mạnh Hội nghị cấp cao Quốc
hội 3 nước CLV lần thứ nhất có ý nghĩa lịch sử trong hợp tác Quốc hội 3 nước.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực ngày càng nhiều thách thức đan xen cơ hội,
trên cơ sở những thành tựu trong hợp tác giữa Quốc hội Campuchia-Lào-Việt Nam
trong những thập kỷ qua, Quốc hội ba nước cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị
đoàn kết Campuchia-Lào-Việt Nam, tăng cường hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội.
Tại Phiên toàn thể thứ nhất,
Chủ tịch Quốc hội ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam chia sẻ đánh giá việc thành lập Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước
CLV góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện
giữa 3 nước CLV. Ba Chủ tịch Quốc hội khẳng định cam kết tiếp tục làm sâu sắc
hơn nữa quan hệ hợp tác và đối tác nghị viện nhằm duy trì hợp tác chặt chẽ,
cùng có lợi giữa Quốc hội 3 nước, qua đó vun đắp tình hữu nghị đoàn kết, thúc đẩy
hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực của 3 nước.
Đặc biệt, ba Chủ tịch Quốc
hội nhấn mạnh vai trò giám sát của Quốc hội trong ứng phó các thách thức toàn cầu,
giải quyết các vấn đề còn tồn tại, thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận, dự
án chung vì lợi ích chung của người dân trong khu vực Tam giác phát triển CLV
(CLV-DTA) nói riêng và ba nước nói chung.
3.
Tin trong tỉnh
3.1. Hội nghị báo cáo
viên Trung ương tháng 12 và tổng kết công tác tuyên truyền miệng năm 2023
Sáng 08/12, tại Hà Nội,
Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 12/2023 và tổng kết
công tác tuyên truyền miệng năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến
đến 661 điểm cầu trong cả nước với 26.898 đại biểu tham dự. Đồng chí Phan Xuân
Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu có đồng chí Lê Đức Dục - Ủy viên Ban Thường vụ
Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng
chí báo cáo viên Trung ương của tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo
và chuyên viên phụ trách công tác tuyên truyền ban tuyên giáo (tuyên huấn) các
huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo và giảng viên
chuyên trách Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo các
khoa, phòng Trường Chính trị tỉnh,...
Tại Hội nghị, các đại biểu
được nghe đồng chí Ngô Lê Văn - Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương thông tin về
chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình. Theo đó, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân; lời
mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, từ ngày 12-13/12/2023 Tổng Bí
thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước
tới Việt Nam.
Thông tin về những kết quả
quan trọng của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đồng chí Nguyễn Thị Thúy Ngần -
Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: Sau 22,5
ngày làm việc với tinh thần tích cực, dân chủ, trí tuệ, nghiêm túc, trách nhiệm
cao, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng công việc lớn; Kỳ họp
đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra, đạt hiệu quả, chất lượng ghi dấu dấn
với nhiều điểm mới trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn
đề quan trọng. Kỳ họp đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu với
8 dự án luật;…
Về tổng kết công tác
tuyên truyền miệng năm 2023, báo cáo nêu rõ: Công tác tuyên truyền miệng tiếp tục
được đổi mới về cả nội dung và hình thức. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ
thông tin trong công tác tuyên truyền miệng có chuyển biến rõ rệt. Việc tổ chức
các hội nghị báo cáo viên bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến được triển
khai thực hiện có hiệu quả nhằm kịp thời cung cấp thông tin đến toàn thể cán bộ,
đảng viên. Phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp
tục được đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao kiến thức, kỹ năng, trang bị đầy đủ tài liệu, thiết bị hoạt động cho đội
ngũ báo cáo viên được quan tâm. Đội ngũ báo cáo viên các cấp chủ động, sáng tạo
trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về
chính trị, tạo sự nhất trí cao trong Ðảng, sự đồng thuận xã hội, ổn định tình
hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Tại Hội nghị, đã có 6 ý
kiến tham luận, trong đó tập trung làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời
phân tích những hạn chế, khó khăn trong hoạt động báo cáo viên, công tác tuyên
truyền miệng của các địa phương, chia sẻ về những cách làm hay, hiệu quả trong
công tác tuyên truyền miệng; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu
quả trong thời gian tới…
Phát biểu kết luận Hội
nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận,
biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác
tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo nói chung, nhiệm vụ tuyên truyền
miệng và hoạt động báo cáo viên nói riêng. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian
tới tiếp tục quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền và
trọng trách của đội ngũ báo cáo viên các cấp; bám sát vào định hướng tuyên truyền
của Ban Tuyên giáo Trung ương để tuyên truyền, triển khai thực hiện; đồng thời,
bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị, xây dựng kế hoạch
tuyên truyền đảm bảo phù hợp. Tuyên truyền sâu rộng nền tảng tư tưởng, đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn có ý
nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước, thành tựu quan trọng trong quá trình xây
dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
3.2. Hội nghị toàn quốc
nghiên cứu, học tập quán triệt nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khoá XIII
Ngày 04/12, Bộ Chính trị,
Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị
quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được
tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 16.242 điểm cầu trên
toàn quốc với trên 1,4 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.
Dự Hội nghị tại điểm cầu
Tỉnh ủy Lai Châu có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí
thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Mạnh Hà - Ủy
viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Văn Lương -
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua
các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội tỉnh, ... toàn tỉnh kết nối 150 điểm cầu với 6.150 đại biểu
tham dự.
Trong thời gian 1 ngày, Hội
nghị được nghe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, truyền đạt 4 chuyên đề: Tiếp
tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Tiếp tục phát huy truyền thống,
sức mạnh đại đoàn toàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh
phúc; Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu
phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Chiến lược bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới.
Nội dung các chuyên đề tập
trung vào những vấn đề cơ bản, cốt lõi, những điểm mới của các nghị quyết Hội
nghị Trung ương 8 khóa XIII nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy,
tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Những
nội dung được truyền đạt tại Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cán
bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy các cấp. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng,
các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII ở địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch,
chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8
khóa XIII cụ thể, thiết thực và hiệu quả, góp phần thiết thực thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu kết luận Hội
nghị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề
nghị: Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị
- xã hội từ Trung ương đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, cụ thể
hoá và tổ chức thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ để các nghị quyết đạt hiệu
quả. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; kịp thời
phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả cao;
chấn chỉnh những nơi thực hiện Nghị quyết chưa tốt. Tập trung chỉ đạo thực hiện
quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết; tăng cường đoàn kết, phát
huy dân chủ, có giải pháp, lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể; huy động
và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị
quyết.
3.3. Hội nghị trực tuyến
toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức
hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Sáng nay (8/12), Văn
phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc
triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành
chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính
phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo về xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ
quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập chủ trì và điều hành Hội
nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Lai
Châu, đồng chí Lê Văn Lương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện
lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham dự Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị,
nhằm tập trung chỉ đạo hoàn thành việc hướng dẫn vị trí việc làm và tổ chức triển
khai xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính
và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo
các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp thực hiện xây dựng
danh mục, bản mô tả vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và
đơn vị sự nghiệp công lập.
Đến nay, đã có 20/20 bộ,
ngành ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên
ngành. 15/15 bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo,
quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức
danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo tổng hợp của Bộ Nội
vụ, cơ quan, tổ chức hành chính có 840 vị trí việc làm, gồm 122 vị trí việc làm
lãnh đạo, quản lý; 656 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 40 vị
trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; 22 vị trí việc làm hỗ
trợ, phục vụ. Đơn vị sự nghiệp công lập có tổng số 559 vị trí việc làm, gồm 110
vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; 392 vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp
chuyên ngành; 30 vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung;
27 vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã gồm
17 vị trí, trong đó, cán bộ chuyên trách có 11 vị trí, công chức cấp xã có 6 vị
trí.
Cũng theo Bộ Nội vụ, 122
vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức hành chính đã được xác định, bảo
đảm tính liên thông, đồng bộ với các chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương
của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở quy định tại Kết luận số
35-KL/TW của Bộ Chính trị.
Tại Hội nghị, đại biểu
các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu các ý kiến trong đó báo cáo về những nội
dung đã triển khai tại cơ quan, đơn vị; những khó khăn, vướng mắc và những kiến
nghị, đề xuất để triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong cơ quan, tổ
chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Phát biểu tại đây, đồng
chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh
đã thực hiện phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu
chức danh nghề nghiệp viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của tỉnh,
trong đó: Cơ quan hành chính có 312 vị trí việc làm (nhóm lãnh đạo quản lý 47 vị
trí, nhóm chuyên môn nghiệp vụ cấp tỉnh 187 vị trí, nhóm chuyên môn nghiệp vụ cấp
huyện 63 vị trí, nhóm hỗ trợ phục vụ 15 vị trí); đơn vị sự nghiệp công lập có
327 vị trí việc làm (nhóm lãnh đạo quản lý 69 vị trí, nhóm chuyên môn nghiệp vụ
cấp tỉnh 211 vị trí, nhóm chuyên môn nghiệp vụ cấp huyện 79 vị trí, nhóm hỗ trợ
phục vụ 47 vị trí)…Tỉnh Lai Châu đã thực hiện bố trí, sử dụng, tuyển dụng và quản
lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm; qua đó giúp cho lãnh đạo cơ quan,
đơn vị có căn cứ để rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng công chức sát thực hơn từ
đó xác định được số biên chế cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan để
có kế hoạch sử dụng, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên
chức gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ
công chức, viên chức có biện pháp đồng bộ để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy,
thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu.