1.
Tin Quốc tế
1.1. Họp báo thường kỳ Bộ
Ngoại giao: Căng thẳng leo thang ở Trung Đông, Việt Nam yêu cầu ngừng bắn ngay
lập tức
Chiều 9/11, tại Họp
báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt
Nam trước tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực xảy ra xung đột
Israel-Hamas, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:
"Việt Nam lên
án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, nhân viên nhân đạo,
nhà báo và các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trên tinh thần Nghị quyết được phiên họp
khẩn cấp ngày 27/10 vừa qua mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, chúng tôi
kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật pháp quốc tế, luật nhân đạo
quốc tế và bảo vệ dân thường, các cơ sở hạ tầng dân sự, thiết lập hành lang nhân
đạo và thả ngay lập tức các con tin đang bị giam giữ.
Việt Nam hoan
nghênh và ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy các bên kiềm chế,
đối thoại, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở
luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc nhằm đạt được
giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình Trung
Đông".
1.2. Hoạt động kỷ niệm
106 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Moscow
Chiều 7/11 (theo
giờ Moscow), nhân kỷ niệm 106 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga, liên minh Đảng Cộng sản trong Duma Quốc
gia Nga cùng với các tổ chức cánh tả đã tổ chức hoạt động kỷ niệm trọng thể tại
Quảng trường Cách mạng, Thủ đô Moscow.
Phát biểu tại hoạt
động, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga, đồng chí Gennady Ziuganov một lần nữa
nhấn mạnh hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại hằng năm là sự kiện
quan trọng của nước Nga.
Một lần nữa khẳng
định lại vai trò quan trọng của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại trong lịch sử không
chỉ của Liên Xô, Nga hiện đại, mà còn của cả nhân loại khi một nhà nước công
nông được thành lập dựa trên công lý, tình hữu nghị và chủ nghĩa nhân văn. Sự
kiện này sau đó đã lan tỏa và trở thành phong trào cách mạng trên khắp thế giới.
Tại lễ mít tinh với
chủ đề “Lenin sống mãi”, “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại-hòa bình, lao động, tự
do, công lý”, “Công nhân các nước đoàn kết lại”, “Sống theo Lênin - tiến lên,
làm việc vì lợi ích của nhân dân”…, các đại biểu Đảng Cộng sản Liên bang Nga và
người dân cùng tái hiện lại thời khắc lịch sử cách đây 106 năm với những bài
hát đi cùng năm tháng như Kachiusa, Quốc tế ca…
Cùng trong sự kiện,
đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã tổ chức đặt vòng hoa tại Lăng V.I.
Lênin trên Quảng trường Đỏ.
1.3. Mỹ-Trung mong muốn cải
thiện quan hệ kinh tế
Ngày 9/11, Bộ trưởng
Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng)
đã bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Tại cuộc đàm phán
về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ở San Francisco (Mỹ), bà Yellen cho biết Mỹ
không muốn tách khỏi Trung Quốc và mong muốn một mối quan hệ kinh tế lành mạnh
với Bắc Kinh nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước. Bà nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục
hành động bảo vệ an ninh quốc gia và của các đồng minh, song cam kết sẽ trao đổi
rõ ràng với Trung Quốc để ngăn chặn mọi hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm.
Về phần mình, ông
Hà Lập Phong cho biết việc duy trì trao đổi và tương tác thường xuyên giữa
Trung Quốc và Mỹ là cần thiết, đồng thời đánh giá cao những tiến bộ đạt được
trong các cuộc đàm phán về kinh tế, tài chính giữa hai nước.
Giới truyền thông
cho rằng cuộc gặp giữa bà Yellen với ông Hà Lập Phong là một trong những nỗ lực
nhằm cải thiện quan hệ kinh tế, duy trì các kênh liên lạc mở giữa hai nước về
nhiều lĩnh vực từ kinh tế, an ninh quốc gia đến biến đổi khí hậu, đồng thời tạo
nền tảng cho một cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu
Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại San Francisco.
2.
Tin trong nước
2.1. Chủ tịch nước Võ Văn
Thưởng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại Phú Yên
Nhân kỷ niệm 93
năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
(18/11/1930-18/11/2023), sáng 11/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã về dự,
chung vui với bà con các dân tộc thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh
Phú Yên trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.
Chủ tịch nước nhấn
mạnh, tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc
Việt Nam. Cũng nhờ tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất
nước, đưa non sông về một mối, đưa đất nước bước vào sự nghiệp xây dựng Chủ
nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ Đại đoàn kết toàn dân tộc mà toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân bước vào sự nghiệp Đổi mới, vượt qua các khó khăn, thách thức,
đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho đất nước ta chưa
bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chủ tịch
nước cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới, với diễn biến phức tạp của
tình hình khu vực và quốc tế, lại càng cho thấy Đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu
tố quan trọng bậc nhất, là cội nguồn sức mạnh để đất nước chúng ta vững bước tiến
lên.
2.2. Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính: Xây dựng lương cán bộ, công chức tiệm cận khu vực doanh nghiệp
Sáng 8/11, trả lời
chất vấn các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay,
chúng ta đã tiết kiệm các nguồn, đã dành được 560.000 tỷ đồng để chi cho cải
cách tiền lương, từ ngày 01/7/2024 đến hết năm 2026.
Tham gia chất vấn
Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề
nghị Thủ tướng cho biết việc triển khai cải cách chính sách tiền lương và hoàn
thiện các chính sách có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ trong cải cách chính sách
tiền lương.
Trả lời câu hỏi của
đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tiền lương là
vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm vì đây vừa là công cụ tái tạo sức lao
động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, vừa qua
do bối cảnh khó khăn, trong đó có dịch Covid-19 nên chúng ta chưa thực hiện được.
Hiện nay, chúng ta đã tiết kiệm các nguồn, đã dành được 560.000 tỷ đồng để chi
cho cải cách tiền lương, từ ngày 01/7/2024 đến hết năm 2026.
Song song với cải
cách tiền lương trong khu vực nhà nước, cũng sẽ cải cách tiền lương ngoài khu vực
nhà nước để tiệm cận với nhau. Cùng với đó là hoàn thiện vị trí việc làm; tinh
giản biên chế; tiết kiệm các khoản chi… để bảo đảm nguồn chi lương.
Như vậy, chúng ta
sẽ vừa cải cách tiền lương trong khu vực nhà nước, vừa cải cách tiền lương
ngoài khu vực nhà nước để 2 khu vực này tiệm cận với nhau.
2.3. Việt Nam - Trung Quốc
đi sâu trao đổi về các vấn đề biên giới lãnh thổ
Ngày 9/11, tại Hà
Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cùng Thứ trưởng Ngoại
giao Trung Quốc - Tôn Vệ Đông tiến hành cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán
cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc.
Tại cuộc gặp, hai
bên trao đổi một cách thực chất, toàn diện các vấn đề biên giới lãnh thổ, đánh
giá những tiến triển tích cực trong hợp tác quản lý biên giới trên đất liền Việt
Nam-Trung Quốc theo các văn kiện pháp lý. Cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên
đất liền Việt Nam-Trung Quốc vận hành hiệu quả, thông suốt; hợp tác xây dựng cơ
sở hạ tầng, kết nối giao thông tại khu vực biên giới được đẩy mạnh; góp phần
quan trọng duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên
giới hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản
lý, bảo vệ biên giới theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt
Nam-Trung Quốc và các thỏa thuận có liên quan; triển khai các biện pháp tạo điều
kiện thuận lợi thông quan hàng hóa, thúc đẩy giao lưu, hợp tác thương mại...
khu vực biên giới; cùng nỗ lực xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt
Nam-Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Về vấn đề trên biển, hai bên trao đổi thẳng thắn
về một số diễn biến tại Biển Đông trong thời gian qua; khẳng định tầm quan trọng
của việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai
Đảng, hai nước và Thỏa thuận về những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn
đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc năm 2011, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định,
kiềm chế, tránh các biện pháp làm phức tạp tình hình trên biển. Phía Việt Nam đề
nghị hai bên thực sự tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, cùng
nhau kiểm soát tốt bất đồng, duy trì thông suốt các kênh đàm phán về vấn đề trên
biển, nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế
và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hai bên nhất trí
tiếp tục thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và hợp tác
cùng phát triển trên biển đạt tiến triển thực chất; sớm hoàn tất thủ tục và tiến
tới ký kết “Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát
sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, “Thỏa thuận
hợp tác tìm kiếm cứu nạn Việt Nam-Trung Quốc” và tiếp tục thúc đẩy hợp tác về
biển, nhất là trong lĩnh vực ít nhạy cảm.
3.
Tin trong tỉnh
3.1. Đồng chí Phó Bí thư
Thường trực Tỉnh uỷ Vũ Mạnh Hà làm việc với Trường Chính trị tỉnh
Chiều ngày 10/11,
đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực
Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Trường Chính trị tỉnh về tình hình thực hiện
nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay và tiến độ thực
hiện Đề án “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Lai Châu đạt chuẩn mức 1 giai đoạn
2022 - 2026, định hướng đến năm 2035”.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Thị Hường
- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Lê Đức Dục - Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo
Văn phòng Tỉnh ủy và các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nội vụ,
Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo, trưởng các khoa,
phòng Trường Chính trị tỉnh.
Tại buổi làm việc,
đồng chí Nguyễn Tiến Tăng - Hiệu trưởng Trường Chính trị đã báo cáo tóm tắt
tình hình hoạt động của nhà trường từ tháng 01/2021 đến nay; theo đó, Trường
Chính trị tỉnh có 2 phòng, 3 khoa chuyên môn với 34 viên chức, người lao động.
Trong thời gian qua, nhà trường đã thực hiện đầy đủ các hoạt động trên các lĩnh
vực theo đúng quy định, quy chế, đảm bảo chất lượng, hiệu quả….
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới,
đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Trường Chính trị tỉnh cần tiếp
tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đội ngũ
cán bộ, giảng viên, viên chức của trường Chính trị tỉnh đủ tiêu chuẩn và khả
năng hoàn thành tốt nhiệm vụ; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
cho cán bộ, giảng viên, học viên; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng
kết thực tiễn; nâng cao năng lực đề xuất, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng
viên; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo,
điều hành; phát huy dân chủ trong mọi hoạt động; giữ gìn đoàn kết thống nhất
trong nhà trường tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, giảng viên phát huy tốt
tính năng động, sáng tạo, trí tuệ tập thể; tập trung xây dựng Trường Chính trị
tỉnh đạt chuẩn theo lộ trình đã được phê duyệt tại Đề án, duy trì, củng cố vững
chắc các tiêu chí đã đạt chuẩn, tập trung khắc phục, thực hiện các tiêu chí còn
thiếu và yếu so với quy định trường chính trị chuẩn mức
3.2. Uỷ ban nhân dân tỉnh:
Phiên họp thường kỳ tháng 11
Sáng 09/11, UBND tỉnh
tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 11 để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024. Đồng
chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch
UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số ban
HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và
các đơn vị liên quan.
Phát biểu kết luận
Phiên họp, đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng,
nỗ lực của các cấp các ngành, các địa phương để đạt được những kết quả tích cực
trên các mặt, các lĩnh vực. Đồng chí đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ
đạo đồng bộ các giải pháp quyết liệt, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu
hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, nhất là các chỉ tiêu dự kiến
khó đạt. Nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phát huy tinh thần
tập thể trong giải quyết các vấn đề; không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm,
công việc.
3.3. Đồng chí Phó Chủ tịch
Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” xã
Tà Tổng
Ngày 11/11, xã Tà
Tổng (huyện Mường Tè) tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 tại bản
Nậm Dính.
Dự ngày hội có đồng
chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực
UBND tỉnh; Lý Anh Hừ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ Mường Tè; lãnh đạo UBND, Ủy
ban MTTQ, phòng, ban, đơn vị huyện; cấp ủy, chính quyền xã Tà Tổng, bí thư, trưởng
bản, trưởng ban công tác Mặt trận các bản và nhân dân bản Nậm Dính.
Phát biểu tại ngày
hội, đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường
trực UBND tỉnh biểu dương những thành tích bản Nậm Dính đạt được. Đồng thời đề
nghị cấp ủy, chính quyền xã và bản Nậm Dính đoàn kết, dân chủ, nâng cao chất lượng
triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Thực hiện
tốt công tác xây dựng bản, gia đình văn hoá, tuyên truyền, vận động người dân
đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội, tham gia giữ gìn an ninh trật
tự tại địa phương.
Dịp này, lãnh đạo
tỉnh, huyện đã tặng quà cho bản Nậm Dính. 3 tập thể và 18 cá nhân được nhận giấy
khen của UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, xã Tà Tổng có thành tích xuất sắc
trong thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới,
đô thị văn minh” năm 2023.