Nội dung thông tin thời sự tuần 1 tháng 8/2023
(Các sự kiện thời sự nổi bật diễn ra từ ngày 31/7/2023 – 06/8/2023)
----
1. Tin thế
giới
1.1. Việt Nam nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu
Ngày 03/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức Phiên thảo luận mở về “Nạn đói và mất an ninh lương thực do ảnh hưởng của xung đột” dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 8/2023) với sự tham dự và phát biểu của đại diện hơn 80 nước thành viên Liên hợp quốc.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, các báo cáo gần đây và thảo luận tại Hội nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) lần thứ 43 diễn ra tại Rome (Italy) tháng 7 vừa qua cho thấy thế giới đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn về an ninh lương thực. Trong khi hầu hết các lĩnh vực đã phục hồi ở mức độ khác nhau sau đại dịch, tình trạng mất an ninh lương thực tiếp tục là vấn đề nan giải ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là các khu vực có xung đột. Do đó cần có cam kết và nỗ lực chung mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế để chấm dứt vòng luẩn quẩn giữa xung đột và đói nghèo. Hội đồng Bảo an cần đóng vai trò hiệu quả hơn trong giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, qua đó giảm thiểu rủi ro mất an ninh lương thực do xung đột. Đại diện Việt Nam kêu gọi các bên trong xung đột tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân đạo quốc tế, không phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của dân thường, nhất là phụ nữ và trẻ em, như quy định tại Nghị quyết 2573 do Việt Nam đề xuất khi làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021. Đồng thời, Hội đồng Bảo an cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chuyên môn như FAO, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và các đối tác quốc tế để giải quyết nạn đói ở các khu vực xung đột, hợp tác với các tổ chức khu vực để tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống lương thực và bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định an ninh lương thực vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp ít phát thải và có khả năng chống chịu tác động của biến đổi khí hậu, mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực trong khu vực. Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho an ninh lương thực toàn cầu, thông qua duy trì xuất khẩu gạo và các nông sản khác một cách ổn định; sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực do tác động của xung đột.
1.2. Bầu cử Campuchia: Đảng cầm quyền giành 120/125 ghế Quốc hội khóa mới
Sáng 05/8, Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã chính thức công bố kết quả bầu cử và danh sách ứng viên trúng cử nghị sĩ Quốc hội khóa VII với chiến thắng áp đảo thuộc về CPP. Theo đó, với gần 6,4 triệu phiếu ủng hộ, chiếm 82,3% trong tổng số hơn 7,7 triệu phiếu bầu hợp lệ, CPP giành được 120 ghế nghị sĩ; 5 ghế nghị sĩ còn lại thuộc về đảng bảo hoàng FUNCINPEC với hơn 700.000 phiếu ủng hộ, chiếm tỷ lệ hơn 9% tổng số phiếu bầu hợp lệ.
Cuộc bầu cử nghị sĩ Quốc hội ở Campuchia ghi nhận hơn 8,2 triệu cử tri tham gia bầu cử, chiếm gần 85% trong tổng số hơn 9,7 triệu cử tri trong danh sách, cao nhất so với các cuộc bầu cử được tổ chức tại "Đất nước Chùa Tháp" trong 20 năm gần đây. Tiến trình bầu cử thu hút hơn 400 quan sát viên quốc tế đến từ 61 cơ quan, tổ chức quốc tế, sứ bộ và cộng đồng doanh nghiệp Campuchia ở nước ngoài tham gia giám sát. Bên cạnh đó, có khoảng 90.000 quan sát viên trong nước cùng hơn 60.000 nhân viên của các đảng phái đăng ký tham gia giám sát tiến trình bầu cử.
Có 18 chính đảng tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII, gồm CPP cầm quyền, Xã hội Dân chủ Tổ ong, Khmer Hợp nhất, Quốc tịch Campuchia, Khmer Đoàn kết Quốc gia, Sức mạnh Dân chủ, Nông dân, Phụ nữ vì Phụ nữ, Khmer Thoát nghèo, FUNCINPEC, Đạo pháp Trị quốc, Dân chủ Cơ sở, Dân nguyện, Khmer Phát triển Kinh tế, Thống nhất Dân tộc Khmer, Khmer Bảo thủ, Thanh niên Campuchia và đảng Dân tộc Bản địa Dân chủ Campuchia. Các chính đảng đăng ký ứng cử viên tranh cử 125 ghế nghị sĩ Quốc hội khóa VII, được phân bổ tại 25 khu vực bầu cử, gồm thủ đô Phnom Penh và 24 đơn vị hành chính cấp tỉnh khác. Trong số này, CPP giới thiệu 274 ứng cử viên, gồm 125 ứng cử viên chính thức và 149 ứng cử viên dự bị, tham gia tranh cử tại tất cả 25 khu vực bầu cử trong cả nước. FUNCINPEC cũng đăng ký ứng viên tranh cử tại tất cả các khu vực bầu cử trong cả nước, nhưng số lượng ứng cử viên không nhiều.
2. Tin trong
nước
2.1. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
thăm chính thức Indonesia, dự AIPA-44
Từ ngày 04 đến 07/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Indonesia
và tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44). Tại AIPA-44, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến
sẽ tham dự phiên họp của Ban Chấp hành AIPA; dự Lễ khai mạc AIPA-44 và phát
biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất; tiếp xúc song phương với một số trưởng đoàn
các nghị viện thành viên AIPA và trưởng đoàn các nghị viện quan sát viên AIPA.
Chuyến thăm chính thức Indonesia của Chủ tịch Quốc hội
Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam được tiến hành
trong bối cảnh hai nước đang thiết thực kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến
lược (2013 - 2023), hướng tới kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025
(1955 - 2025). Đây là chuyến thăm chính thức Indonesia đầu tiên của đồng chí
Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, là chuyến thăm của Chủ
tịch Quốc hội nước ta tới Indonesia sau 13 năm - kể từ chuyến thăm chính thức
Indonesia năm 2010 của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị lúc đó là Chủ
tịch Quốc hội Việt Nam. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng, ủng hộ của Việt Nam
cũng như Quốc hội Việt Nam với Indonesia, nghị viện Indonesia.
2.2. Việt Nam - Trung Quốc đàm phán vòng 16 về hợp tác trong các lĩnh vực ít
nhạy cảm trên biển
Từ ngày 02-03/8, tại thành phố Đà Nẵng. Việt Nam và
Trung Quốc đã tiến hành đàm phán vòng 16 Nhóm công tác về hợp tác trong các
lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai nước. Trên cơ sở tuân thủ nhận thức
chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, "Thỏa thuận về
những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung
Quốc" ký ngày 11/10/2011, hai bên đã đi sâu trao đổi về việc thúc đẩy hợp
tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; rà soát và kiểm điểm tình hình
triển khai một số thỏa thuận/dự án đã được hai bên nhất trí.
Hai bên trao đổi ý kiến về một số đề xuất hợp tác mới
trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế,
nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp của mỗi
bên. Trên tinh thần đó, cấp làm việc hai bên đã thống nhất về nội dung dự thảo
của một số thỏa thuận hợp tác liên quan, đồng thời sẽ nỗ lực để có thể sớm ký kết
các thỏa thuận này trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tiến hành đàm phán
vòng 17 về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt Nam - Trung Quốc
trong năm 2024 tại Trung Quốc.
3. Tin trong tỉnh
3.1. Đoàn công tác của tỉnh
trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do
mưa lũ
Ngày 06/8, sau khi nắm
tình hình mưa lớn gây ra lũ, sạt lở đất, đá làm thiệt hại đến tính mạng, cơ sở
hạ tầng và tài sản của Nhân dân trên địa bàn huyện Than Uyên, Đoàn công tác của
tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo phương án khắc phục; thăm và động viên các gia
đình bị thiệt hại do mưa lũ. Đoàn công tác gồm có các đồng chí: Vũ Mạnh Hà - Ủy
viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ;
Hà Trọng Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại
diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số đơn vị liên quan...
Tại các nơi đến kiểm tra,
Đoàn công tác đã đánh giá cao công tác triển khai ứng phó của Ban Chỉ huy các
cấp của huyện Than Uyên, bàn các giải pháp khắc phục và chỉ đạo trực tiếp ở các
địa điểm. Chỉ đạo rà soát lại các điểm dân cư có nguy cơ cao để chủ động phương
án ứng phó; bố trí ngay phương tiện, lực lượng thông tuyến để đảm bảo giao
thông; tiếp tục kiểm tra khu vực sông suối bị cản trở để thanh thải dòng chảy,
đảm bảo dòng chảy thông suốt, tránh lũ quét phá hoại sản xuất. Đồng thời yêu
cầu cơ quan Ban Chỉ huy các cấp tuân thủ trực và các phương án phòng, chống
theo quy định; cử lực lượng xuống địa bàn bám, nắm, vận động bà con chủ động
ứng phó với mưa lũ. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân nâng
cao ý thức và kỹ năng phòng tránh. Thông báo với bà con trong thời gian cao
điểm mưa lũ không đánh bắt cá, vớt củi trên lòng sông, suối, lòng hồ, không lên
lán nương; bố trí người hỗ trợ tại các điểm đang bị sạt lở để hỗ trợ, cảnh báo.
Tiếp tục rà soát thiệt hại về sản xuất để hỗ trợ theo quy định; thông tin tình
hình kịp thời tới Ban Chỉ huy cấp trên... Đến thăm các gia đình bị thiệt hại về
người và tài sản do mưa lũ…
3.2. Họp Ban Tổ chức kỷ niệm 20 năm chia tách, thành
lập tỉnh Lai Châu
Sáng ngày 04/8, Ban Tổ chức kỷ niệm 20 năm chia
tách, thành lập tỉnh Lai Châu tổ chức họp dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Văn
Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tại cuộc họp, cơ
quan thường trực đã Báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị, phối hợp tổ chức các
hoạt động kỷ niệm 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (01/01/2004 -
01/01/2024). Theo đó, đến thời điểm hiện tại mọi hoạt động tuyên truyền, báo
chí, xuất bản đã được triển khai. Các sở, ngành thành viên theo chức năng,
nhiệm vụ đã ban hành các kế hoạch tuyên truyền; biên soạn và xuất bản “Tài liệu
tuyên truyền kỷ niệm 20 năm chia tách và thành lập tỉnh Lai Châu”.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ đã và đang triển khai
các nội dung như: Xây dựng phóng sự truyền hình về 20 năm chia tách và thành
lập tỉnh Lai Châu; tổ chức tuyên truyền về các sự kiện kỷ niệm trên các phương
tiện thông tin đại chúng của tỉnh; phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về Lai
Châu; tổ chức cuộc thi ảnh đẹp về Lai Châu; xây dựng cuốn sách ảnh về Lai Châu;
ra 01 số báo đặc biệt chào mừng kỷ niệm các sự kiện lịch sử của tỉnh năm 2024.
Các hoạt động chào mừng kỷ niệm sẽ gồm: Tổ chức các
hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động an sinh xã hội. Phát động
phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh hướng tới các ngày kỷ niệm; tiến
hành tổng kết phong trào thi đua vào cuối năm 2023. Tổ chức khen thưởng các tập
thể, cá nhân có nhiều công lao đóng góp. Tập trung nguồn lực hoàn thành một số
công trình trọng điểm chào mừng các sự kiện lịch sử của tỉnh trong năm 2024,
nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới; chỉnh trang các khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp; xây dựng tuyến phố văn
minh mang đậm bản sắc dân tộc. Đăng cai tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể
thao toàn quốc và khu vực; tổ chức các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa
truyền thống các dân tộc, tiềm năng thế mạnh du lịch Lai Châu như: Đăng cai tổ
chức “Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người lần thứ I, tại
tỉnh Lai Châu” và tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu; tổ chức Hội chợ Công
thương vùng Tây Bắc - Lai Châu năm 2024...