THÔNG TIN THỜI SỰ TUẦN THỨ 1 THÁNG 4/2024
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 01-07/4/2024)
I.
TIN THẾ GIỚI
1.
Hơn 1.100 người bị thương trong vụ động đất ở Đài Loan
Theo Cơ quan thời
tiết Đài Loan (Trung Quốc), một trận động đất độ lớn 7,2 xảy ra vào lúc 7h58'
ngày 3/4 (giờ địa phương), ở ngoài khơi bờ biển phía Đông vùng lãnh thổ này, với
độ sâu chấn tiêu 15,5 km. Có tổng cộng 96 dư chấn xảy ra trong đêm 3/4 đến rạng
sáng 4/4 sau trận động đất nói trên. Theo truyền thông Đài Loan, đây là trận động
đất lớn nhất tại hòn đảo này kể từ trận động đất độ lớn 7,6 xảy ra năm 1999 khiến
gần 2.400 người thiệt mạng.
Hình ảnh một tòa nhà bị nghiêng sau
trận động đất sáng 3/4 ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: CTV Thanh Quang
Trận động đất mạnh
nhất trong 25 năm qua tại Đài Loan này đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và
hơn 1.100 người bị thương và ít nhất 26 tòa nhà bị sập. Đến nay, hơn 600 người,
trong đó có khoảng 450 người tại một khách sạn ở công viên Taroko vẫn bị mắc kẹt
ở nhiều địa điểm khác nhau do lở đá và các ảnh hưởng khác từ trận động đất.
Trận động đất xảy
ra ở vùng biển gần huyện Hoa Liên của Đài Loan kéo theo nhiều dư chấn. Người
dân tại các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô ở
Trung Quốc đại lục cũng cảm nhận được rung chấn. Nhiều chuyến tàu hỏa bị hoãn
hoặc hủy tại Phúc Kiến và Giang Tây. Một số hành khách tạm thời mắc kẹt ở các
thành phố Tuyền Châu và Hạ Môn.
Nhật Bản và
Philippines cũng đã phát cảnh báo sóng thần sau khi động đất xảy ra ở Đài Loan.
Tuy nhiên, hai nước này sau đó đã dỡ bỏ các cảnh báo.
2.
Haiti gia hạn tình trạng khẩn cấp ở khu vực thủ đô
Nhằm lập lại trật
tự và thực hiện các biện pháp thích hợp để kiểm soát tình hình, Chính phủ Haiti
đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn khu vực phía Tây, nơi có thủ đô
Port-au-Prince, từ ngày 4/4 cho đến ngày 3/5.
Chính phủ Haiti
đưa ra quyết định trên trong bối cảnh bạo lực tăng cao và các băng nhóm có vũ
trang kiểm soát khoảng 90% thủ đô nước này.
Haiti đối mặt tình trạng bạo lực gia
tăng kể từ ngày 29/2/2024 (Ảnh: Dominican Today)
Theo đó, trong thời
gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, tất cả các cuộc biểu tình trên đường phố đều
bị cấm, cả ngày lẫn đêm.
Ngoài ra, giới chức
Haiti cũng quyết định kéo dài thời gian giới nghiêm trên toàn khu vực đến ngày
10/4. Lệnh giới nghiêm không áp dụng đối với các nhân viên thực thi pháp luật
đang làm nhiệm vụ, lính cứu hỏa, tài xế xe cứu thương, nhân viên y tế và các
nhà báo được xác định hợp lệ.
Cảnh sát được sử dụng
mọi biện pháp hợp pháp để thực thi lệnh giới nghiêm và bắt giữ tất cả những người
vi phạm.
Những biện pháp
này không gây ngạc nhiên cho người dân Haiti trong bối cảnh thủ đô
Port-au-Prince tiếp tục phải vật lộn với tình trạng bạo lực lan rộng do các
băng nhóm vũ trang gây ra.
Thời gian qua,
tình trạng bạo lực chưa từng có đang bao trùm Haiti, với sự gia tăng nhanh
chóng số vụ đụng độ giữa cảnh sát và các băng nhóm vũ trang, các vụ xả súng ở
khu dân cư, số người chết và bị thương từ ngày 29/2.
3.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm nghiêm trọng gấp 100 lần COVID-19
Tờ New York Post số
ra ngày 4/4 dẫn báo cáo của các chuyên gia cảnh báo khả năng xảy ra đại dịch
cúm gia cầm có thể tồi tệ gấp 100 lần so với dịch COVID-19, sau khi xuất hiện
trường hợp mắc cúm gia cầm ở người tại bang Texas (Mỹ).
Nhân viên kiểm dịch tiêu hủy gà nhiễm
cúm gia cầm tại Dolores Hidalgo, bang Guanajuato, Mexico. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Kể từ khi một chủng
cúm mới được phát hiện vào năm 2020, dịch cúm gia cầm H5N1 đã lây lan nhanh và ảnh
hưởng đến những loài chim hoang dã ở tất cả các bang của Mỹ, cũng như ở các trại
chăn nuôi gia cầm thương mại và đàn gia cầm nuôi tại nhà. Tuy nhiên, gần đây đã
phát hiện các trường hợp nhiễm virus này ở động vật có vú, cụ thể là trong các
đàn gia súc tại 4 bang. Ngày 1/4, các quan chức y tế liên bang Mỹ đã ghi nhận một
người nuôi bò sữa ở bang Texas nhiễm virus H5N1.
Tại một hội thảo mới
đây về vấn đề này, chuyên gia nghiên cứu cúm gia cầm ở Pittsburgh, ông Suresh
Kuchipudi nhấn mạnh "nguy cơ lớn xảy ra đại dịch cúm gia cầm H5N1”. Người
tổ chức hội thảo trên, ông John Fulton, đồng thời là người sáng lập công ty dược
phẩm BioNiagara có trụ sở tại Canada, cũng bày tỏ lo ngại rằng đại dịch H5N1
“có thể tồi tệ gấp 100 lần so với COVID-19”. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),
khoảng 52% số ca nhiễm H5N1 kể từ năm 2003 đã tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ tử
vong ở số người nhiễm COVID-19 hiện chỉ là 0,1%, dù tại thời điểm bùng phát đại
dịch, tỷ lệ tử vong là khoảng 20%. Cơ quan An toàn Thực phẩm (FSA) cho biết: “Nếu
virus H5N1 có khả năng lây lan giữa người với người, thì việc lây nhiễm trên
quy mô lớn hoàn toàn có thể xảy ra vì chưa có miễn dịch với chủng virus H5 ở
người”. Nhằm chặn nguy cơ lây lan, Mỹ đã thử nghiệm và đã bào chế được 2 loại
vaccine được cho là ứng cử viên phù hợp để phòng ngừa H5N1.
4.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hàng chục đối tượng tình nghi là thành viên IS
Ngày 6/4, cơ quan
chức năng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắt giữ 48 người tình nghi có quan hệ với tổ chức
"Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã tham gia vụ xả súng tại nhà thờ ở
Istanbul hồi tháng 1 vừa qua.
Bộ trưởng Nội vụ
Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ali Yerlikaya nêu rõ trong các chiến dịch truy quét IS, các đơn
vị chức năng nước này đã bắt giữ 48 nghi can, trong đó có nhiều kẻ tình nghi
liên quan đến các đối tượng tham gia vụ tấn công ngày 28/1 ở nhà thờ Santa
Maria ở Istanbul và những đối tượng dính líu đến các khu vực xung đột khác.
Trước đó, Bộ trưởng
Yerlikaya tiết lộ rằng từ tháng 6 năm ngoái đến 25/3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến
hành tổng cộng 1.329 chiến dịch chống khủng bố nhằm vào IS. Trong khuôn khổ các
chiến dịch này, lực lượng chức năng đã bắt giữ 2.919 nghi phạm, trong đó có 692
người hiện đang bị giam giữ.
Cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh:
AFP/TTXVN)
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng
cường các hoạt động chống IS sau khi tổ chức này tấn công một nhà thờ ở
Istanbul vào cuối tháng 1/2024, giết hại một dân thường. Ankara đã đưa IS vào
danh sách các tổ chức khủng bố vào năm 2013, đồng thời cáo buộc nhóm này thực
hiện hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ở nước này kể từ năm 2015. Tháng 12 năm
ngoái, các lực lượng tình báo và an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một thủ lĩnh cấp
cao của IS chịu trách nhiệm giám sát tài chính của nhóm này ở tỉnh Mersin, Đông
Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
II.TIN TRONG NƯỚC
1.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Thư chúc mừng năm mới hai nước Lào và
Campuchia
Nhân dịp Tết Bun
Pimay của Lào và Tết Chol Chnam Thmay của Campuchia, Tổng Bí thư Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư và lẵng hoa chúc
mừng tới đồng chí Thongloun Sisoulith, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và đồng chí
Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc
Campuchia.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh:
Trí Dũng/TTXVN)
* Nội dung Thư chúc mừng
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun
Sisoulith, có đoạn viết:
“Nhân dịp Tết Cổ
truyền của Lào (Bunpimay), thay mặt Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam, tôi thân
ái gửi tới đồng chí và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào những
tình cảm đồng chí, anh em thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chúc đồng chí
Thongloun Sisoulith và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào, cùng toàn thể
gia đình các đồng chí một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh
vượng và tiếp tục giành được nhiều thắng lợi mới. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt
Nam chúc mừng những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực mà Lào đã đạt được
trong thời gian qua. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng
Nhân dân Cách mạng Lào do đồng chí đứng đầu, sự điều hành của Chính phủ, sự
giám sát của Quốc hội, đất nước và Nhân dân Lào anh em sẽ vượt qua khó khăn, tiếp
tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực
hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tổ
chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Việt Nam ủng hộ Lào hoàn thành trọng trách, vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch
AIPA năm 2024 góp phần nâng cao vị thế của Lào ở khu vực và trên thế giới. Đảng,
Nhà nước và Nhân dân Việt Nam hết sức vui mừng về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại,
đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất
và hiệu quả trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân ở mỗi
nước, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và
trên thế giới”.
* Nội dung Thư chúc mừng
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch
Thượng viện Vương quốc Campuchia Hun Sen nhân dịp Tết Cổ truyền và được Thượng
viện Campuchia khóa V bầu làm Chủ tịch, có đoạn viết:
“Nhân dịp Tết cổ
truyền Campuchia (Chol Chnam Thmay), thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt
Nam, tôi chúc đồng chí Hun Sen cùng toàn thể các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân
dân Campuchia, Nhà nước và Nhân dân Campuchia một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc,
an khang, thịnh vượng và tiếp tục giành được nhiều thắng lợi mới. Đặc biệt chúc
mừng đồng chí Hun Sen đã được Thượng viện Vương quốc Campuchia tín nhiệm bầu
làm Chủ tịch Thượng viện nhiệm kỳ 2024 - 2030. Chúng tôi tin tưởng đồng chí sẽ
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của mình. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt
Nam chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực mà
Campuchia đã đạt được trong thời gian qua. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng,
dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Norodom Sihamoni, sự lãnh đạo của Thượng
viện, Quốc hội và điều hành của Chính phủ Vương quốc Campuchia do CPP làm nòng
cốt, nhân dân Campuchia tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa
trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi
Cương lĩnh của Đảng giai đoạn 2023-2028, tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng
Thủ đô/tỉnh, thành phố/quận, huyện khóa IV…
2.
Việt Nam luôn coi Pháp là đối tác quan trọng
Thủ tướng Chính phủ
Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam và Pháp có quan hệ hữu nghị, truyền thống, gắn
kết về mọi mặt, từ lịch sử, quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế đến văn hóa -
nghệ thuật, con người; khẳng định Việt Nam luôn coi Pháp là đối tác quan trọng
trong chính sách đối ngoại của mình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
tiếp Đại sứ Pháp Olivier Brochet
Chiều 04/4/2024, tại
Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Pháp Olivier
Brochet nhân dịp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam và Pháp có quan hệ hữu nghị,
truyền thống, gắn kết về mọi mặt, từ lịch sử, quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế
đến văn hóa - nghệ thuật, con người; khẳng định Việt Nam luôn coi Pháp là đối
tác quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Qua Ngài Đại sứ, Thủ tướng
Chính phủ đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sang thăm Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn
sớm có dịp đón Thủ tướng Pháp Gabriel Attal sang thăm Việt Nam để trao đổi và
thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng
Chính phủ tin tưởng rằng với bề dày kinh nghiệm trong ngành Ngoại giao, Ngài Đại
sứ sẽ có nhiều đóng góp quan trọng nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm
cao mới; các cơ quan hữu quan Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để Đại
sứ hoàn thành nhiệm vụ và có nhiệm kỳ công tác thành công.
Thủ tướng Chính phủ
đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt các chuyến
thăm cấp cao; triển khai kết quả điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng và Tổng thống Emmanuel Macron tháng 10/2023, cũng như các cơ chế hợp tác
liên ngành giữa hai nước. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao vai trò, tiếng nói
và các sáng kiến của Pháp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc,
ASEAN - EU, Pháp ngữ...; khẳng định Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với
Pháp để ứng phó với những thách thức toàn cầu.
3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lên đường thăm chính thức Trung Quốc
Chuyến thăm lần
này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa quan trọng trong việc duy
trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương,
cụ thể hóa nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước; khẳng định
Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa
chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh:
TTXVN)
Nhận lời mời của Ủy
viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu
Lạc Tế, sáng 7/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Trung Quốc
từ 7 - 12/4/2024. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương
Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt
Nam - Trung Quốc tổng thể duy trì đà phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả
quan trọng mang tính lịch sử. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra sôi động. Tiếp
nối chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022
(từ ngày 30/10 - 01/11/2022) và trong năm 2023, nhiều đoàn Lãnh đạo ta đã thăm
Trung Quốc. Đáp lại, từ ngày 12 - 13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình và Phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, hai bên
ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp
tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung
Quốc có ý nghĩa chiến lược”, ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực…
III.
TIN TRONG TỈNH
1.
Họp Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
Sáng nay (5/4),
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh
tổ chức họp dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng
Ban Chỉ huy.
Quang cảnh cuộc họp.
Trong năm 2023,
Lai Châu đã xảy ra 10 đợt mưa lớn diện rộng, cục bộ có nơi mưa to đến rất to; 9
đợt không khí lạnh tăng cường, trong đó 5 đợt rét đậm, rét hại; 5 đợt nắng nóng
diện rộng. Đặc biệt, mưa lớn đã gây 1 đợt lũ vào ngày 4 - 5/8/2023 tại các xã
Tà Mung, Khoen On, Mường Kim huyện Than Uyên, xã Pắc Ta huyện Tân Uyên, xã Khổng
Lào huyện Phong Thổ. Thiên tai đã làm 6 người chết, 2 người mất tích, 6 người bị
thương; tổng số nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng là 1.013 nhà; hơn 2.455 ha cây trồng
các loại bị gãy, dập, ảnh hưởng; 1 công trình văn hóa, 9 trụ sở cơ quan, 11 điểm
trường bị ảnh hưởng; 3 trạm biến thế, 88 công trình Thủy lợi, 30 công trình cấp
nước bị hư hỏng; một số tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên bản bị
sạt lở gây tắc nghẽn giao thông...
Đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND
tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát
biểu kết luận cuộc họp.
Phát biểu kết luận
cuộc họp, đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng,
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ
lực của các cấp, các ngành và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị trong
PCTT&TKCN, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, kịp thời ổn định đời sống
của Nhân dân; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, đồng thời đề nghị
trong thời gian tới Ban Chỉ huy các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm
vụ sau: Kiện toàn tổ chức bộ máy, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy
các cấp; xây dựng kế hoạch và có những phương án dự phòng để chủ động triển
khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức,
trách nhiệm; giảm thiểu thiệt hại về người; tăng cường tập huấn, diễn tập theo
kế hoạch hàng năm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTT&TKCN khi có
tình huống xảy ra; nắm rõ quy trình, thủ tục về việc công bố tình trạng khẩn cấp,
lệnh xây dựng, sử dụng kinh phí dự phòng hiệu quả;...
2.
Chỉ số PAPI năm 2023 của Lai Châu tăng 9 bậc so với năm 2022
Sáng 02/4, Trung
tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời
gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối
hợp tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt
Nam (PAPI) năm 2023.
Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và
hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023
Theo kết quả công
bố, tỉnh Lai Châu đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2022.
Theo đó, năm 2023, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh,
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh năm 2023 tiếp tục có sự
chuyển biến tích cực, cải thiện rõ rệt về thứ hạng. Cụ thể tỉnh Lai Châu đạt
43.6223 điểm (năm 2022 là 42,690 điểm), xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố và đứng
trong top 20 tỉnh, thành phố trên cả nước; tăng 9 bậc so với năm 2022; tăng 12
bậc so với năm 2021 và tăng 36 bậc so với năm 2020). Chỉ số PAPI là chỉ số đo
lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và
đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương. Chỉ số
PAPI là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý Nhà nước, thực
thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương; giúp các cấp
chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công
tác, phục vụ người dân tốt hơn…