ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Thông tin thời sự nổi bật tuần 1 tháng 4/2023
Lượt xem: 1007

Nội dung thông tin thời sự tuần 1 tháng 4/2023

(Các sự kiện thời sự nổi bật diễn ra từ ngày 03/4/2023 – 09/4/2023)

1. Tin thế giới

1.1. Phần Lan chính thức trở thành thành viên NATO

Tối 4/4 (theo giờ Việt Nam), Phần Lan chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này. Việc kết nạp Phần Lan đã kết thúc 7 thập niên duy trì chính sách trung lập của quốc gia Bắc Âu này, đồng thời lập kỷ lục về thời gian NATO phê chuẩn việc kết nạp một thành viên mới. Theo đó, Phần Lan chỉ mất hơn 10 tháng kể từ khi nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên chính thức của khối. Với việc Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO, độ dài biên giới của Nga với các quốc gia thành viên liên minh hiện đã tăng gấp đôi. Cụ thể, Phần Lan có chung biên giới phía Đông dài 1.340km với Nga. Việc NATO kết nạp Phần Lan đã nhận phải sự chỉ trích gay gắt từ Moscow. 

1.2. Mỹ - Nhật – Hàn tập trận chung chống tàu ngầm

Trong 02 ngày, ngày 03-04/4, Mỹ cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản tổ chức tập trận hải quân ba bên, tại vùng biển quốc tế phía Nam đảo Jeju của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã điều các tàu khu trục Yulgok YiYi, Choe Yeong và Daejoyeong tham gia tập trận cùng với tàu hỗ trợ chiến đấu Soyang, trong khi phía Mỹ cử tàu sân bay USS Nimitz và hai tàu khu trục là USS Wayne E. Meyer và USS Decatur, về phần mình, Nhật Bản huy động tàu khu trục JS Umigiri.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận tăng cường các năng lực “phát hiện, truy vết, chia sẻ thông tin và đánh bại” các mối đe dọa dưới nước. Trong hạng mục tìm kiếm và cứu hộ, binh lính của 3 nước có kế hoạch diễn tập cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp giả định có tai nạn trên biển.

Lần gần đây nhất, Mỹ - Nhật - Hàn tiến hành tập trận chống tàu ngầm là vào tháng 9-2022.

1.3. Đòn bẩy lợi ích chiến lược

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã có chuyến thăm tới Trung Quốc từ ngày 05-08/4. Đằng sau chương trình nghị sự dày đặc, chuyến thăm Trung Quốc của hai nhà lãnh đạo Pháp và EC được ví như đòn bẩy lợi ích chiến lược, vừa tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc, vừa thúc đẩy vai trò hòa giải của Bắc Kinh trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hiện nay.Mục tiêu hàng đầu trong chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Pháp và EC là xây dựng một “con đường thứ 3”, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đã có nhiều thay đổi kể từ năm 2019, sau khi Liên minh châu Âu (EU) theo đuổi chính sách coi Trung Quốc là đối tác trong các vấn đề toàn cầu lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, nhưng lại là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ cao, cũng như đối thủ mang tính hệ thống đối với nền dân chủ ở châu Âu. Mối quan hệ EU-Trung Quốc từ đó gặp phải không ít khó khăn và trở ngại, điển hình là vào tháng 5-2021, Nghị viện châu Âu (EP) “đóng băng” Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) EU-Trung Quốc khi văn bản trên còn chưa ráo mực. Sau một giai đoạn không có động thái cải thiện quan hệ, đồng thời các tiếp xúc trực tiếp bị ngăn cách bởi những hạn chế đi lại thời đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo EU nhận thức được rằng, dù muốn hay không, họ cũng không thể hành động trên phạm vi toàn cầu mà không có sự tương tác với Trung Quốc.

2. Tin trong nước

2.1. Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế

Đúng 18 giờ 35 phút, ngày 5/4, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến công tác dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào).

 Trong chưa đầy 24 giờ trên đất nước Lào, cùng với dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen; hội kiến với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng, nêu những thách thức đã và đang diễn ra đối với dòng Mekong và lưu vực; đánh giá hoạt động của Ủy hội sông Mekong và sự hợp tác của các Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề xuất gồm 5 điểm mà các nước thành viên Ủy hội và cộng đồng quốc tế cần thực hiện, hợp tác, hỗ trợ, nhằm bảo vệ dòng sông, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các quốc gia và người dân sinh sống trong lưu vực; bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau; tất cả vì mục tiêu chung là phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.

2.2. Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Ngày 03/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Về tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên...

3. Tin trong tỉnh

3.1. Tổng kết công tác phối hợp tổ chức giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023

Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 đã tổ chức tổng kết giải nhằm biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu và đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm một số nội dung.

Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 tại Lai Châu được tổ chức từ ngày 24 - 26/3, thu hút hơn 4 nghìn vận động viên tham gia. Công tác phối hợp tổ chức giải được thực hiện thống nhất, khoa học với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố đã thực hiện tốt công tác tham mưu và vào cuộc sát sao. Sự đồng thuận, ủng hộ của toàn thể Nhân dân trên địa bàn góp phần làm nên thành công giải. Giải đấu đã thành công, an toàn với các nội dung thi đấu chính thức và hoạt động đồng hành ý nghĩa: dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu; thượng cờ Tổ quốc. Đặc biệt lễ chào cờ hát quốc ca được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là giải chạy có số lượng vận động viên tham gia chào cờ và hát quốc ca trên quảng trường đông nhất Việt Nam. Không gian văn hoá, ẩm thực, triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh và các hoạt động thiện nguyện do Báo Tiền Phong phối hợp với địa phương tổ chức đã để lại dấu ấn sâu đậm cho đại biểu, vận động viên, du khách về một Lai Châu giàu tiềm năng du lịch với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hùng vỹ, văn hoá đậm đà bản sắc và con người thân thiện mến khách.

Tại buổi tổng kết, 34 tập thể và 77 cá nhân, 14 hộ gia đình được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu và tổ chức giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền phong lần thứ 64 năm 2023.

3.2. Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán tại Yên Bái và Lai Châu

Chiều ngày 04/4, tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái và UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán tại hai địa phương.

Tại Hội nghị, đại diện Kiểm toán Nhà nước khu vực VII đã công bố các Quyết định kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020 - 2022 và Chuyên đề việc quản lý sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020 - 2022 của tỉnh Yên Bái; Kiểm toán hoạt động Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La (Đề án 666) tại tỉnh Lai Châu. Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo UBND hai tỉnh Yên Bái, Lai Châu khẳng định sẽ phối hợp với Đoàn để triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định kiểm toán. Lãnh đạo hai tỉnh cũng lưu ý các đơn vị được kiểm toán của hai tỉnh nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp, nắm chắc phương pháp làm việc, kịp thời rà soát các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để báo cáo, kiến nghị với Đoàn kiểm toán. Các sở, ngành được giao làm đầu mối ở cấp tỉnh phối hợp với các huyện có khó khăn và vướng mắc tổng hợp, báo cáo kiến nghị, đề xuất theo quy định.

3.3. Hội thảo “Đánh giá hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học” trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Ngày 09/4, tại huyện Than Uyên, UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học” nhằm đánh giá hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm, thống nhất về phương pháp, quy trình trong quá trình triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Sau gần 2 năm triển khai, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; các cơ quan chuyên môn và sự đồng hành của các nghệ nhân dân gian. Toàn tỉnh đã thành lập 45 câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo: tổ chức hoạt động giữa giờ, trò chơi, văn nghệ dân gian; tạo mã quét QR giới thiệu về sản phẩm văn hóa dân. Phục dựng các lễ hội truyền thống, thi vẽ tranh họa tiết thổ cẩm; ẩm thực dân tộc. Biên dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc một số loại hình văn hóa dân tộc Si La; lập sổ tay từ điển Anh - Việt - Hà Nhì…
Hội thảo đã nhận được 55 báo cáo và gần 20 tham luận, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung tham luận nêu thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong công tác xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa trong trường học, truyền dạy các giá trị văn hóa; công tác chỉ đạo bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Nêu các kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học trên địa bàn tỉnh…

4. Tin trong Đảng ủy Khối

4.1. Hội nghị chuyển giao – tiếp nhận tổ chức cơ sở đảng và đảng viên

Sáng ngày 06/4 Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị chuyển giao - tiếp nhận tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Dự hội nghị có đồng chí Lý Công Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đồng chí Nguyễn Đức Thành - UVBCH Đảng bộ, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam; Chi ủy, Ban Giám đốc chi nhánh Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam- chi nhánh Lai Châu; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh…

Hội nghị đã thông qua Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển giao chi bộ cơ sở và 29 đảng viên thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh về trực thuộc Đảng ủy Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam thuộc Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

4.2. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 13

Ngày 07/4, Đảng ủy Khối tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ 13, khóa IV, nhiệm kỳ 2020-2025, Đồng chí Vũ Văn Lương – Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã thảo luận, tham gia ý kiến vào: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I, một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023; Báo cáo của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Khối về kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng Quý I, nhiệm vụ Quý II năm 2023; Báo cáo kết quả giải quyết công việc của Ban Thường vụ Đảng ủy giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành.

Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối tổng hợp
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập