THÔNG TIN THỜI SỰ TUẦN THỨ 01 THÁNG 03/2024
(Các sự kiện thời
sự nổi bật diễn ra từ ngày 26/02-03/3/2024)
-----
I.
TIN THẾ GIỚI
1.
Triển vọng mờ nhạt về lệnh ngừng bắn mới ở Gaza
Ngày 27/2, Qatar
(quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột giữa Hamas và Israel) nhận
định rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới trong vài ngày tới,
tiếp nối nhận định trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng các bên có thể đạt
thỏa thuận ngừng bắn mới ở Dải Gaza và trả tự do cho con tin tại đây vào ngày
4/3 tới đây. Theo một quan chức cấp cao của Ai Cập, một thỏa thuận ngừng bắn có
thể kéo dài sáu tuần, sẽ cho phép những người Palestine di tản trở lại một số
khu vực ở phía Bắc Gaza và tăng cường viện trợ. Thỏa thuận này có thể liên quan
đến việc trao đổi 400 tù nhân Palestine lấy 40 con tin bị giam giữ ở Gaza.
Người dân Palestine tại Dải Gaza xếp
hàng chờ viện trợ. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, lực lượng
vũ trang Hamas không thể hiện thái độ tích cực tương đồng. Theo trang tin Al
Jazeera ngày 28/2, một thành viên cấp cao của phong trào Hamas cho biết, lực lượng
này vẫn chưa nhận được đề xuất chính thức về một thỏa thuận ngừng bắn.
Trong khi đó, Thủ
tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, ông sẽ không bị áp lực phải “sớm” chấm
dứt cuộc tấn công của Israel.
Tuy nhiên, triển vọng
cho một lệnh ngừng bắn vẫn còn mờ nhạt giữa lúc các cuộc giao tranh gây nhiều
thương vong cho dân thường ở Gaza còn tiếp diễn. Ngày 29/2, Cơ quan Y tế Gaza nói
rằng Israel nã súng vào những người đang chờ viện trợ ở thành phố Gaza (miền bắc
Dải Gaza) khiến 112 người Palestine thiệt mạng và 280 người bị thương. Người
phát ngôn Cơ quan Y tế Gaza Ashraf al-Qidra cho biết vụ việc xảy ra tại bùng
binh al-Nabusi phía tây thành phố Gaza.
Ông Stéphane
Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết ông António
Guterres đã rất “bàng hoàng trước số người thiệt mạng trong cuộc xung đột” ở
Gaza và kêu gọi điều tra vụ việc vào hôm 29/2.
2.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang lần thứ 19
Tổng thống Nga
Vladimir Putin trình bày Thông điệp liên bang tại Moscow ngày 29/2. Ảnh: Kremlin.ru
Vào lúc 12 giờ 14
phút ngày 29/2, giờ Moscow (tức 16 giờ 14 phút cùng ngày, giờ Hà Nội), Tổng thống
Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang lần thứ 19 tại Trung tâm thương
mại Gostiny Dvor ở thủ đô Moscow. Đây là sự kiện thường niên quan trọng của Tổng
thống Nga, được quy định theo Hiến pháp.
Trong Thông điệp
Liên bang năm 2024 kéo dài kỷ lục 126 phút, Tổng thống Putin cung cấp nhiều
thông tin về tình hình đất nước; những chính sách đối nội, đối ngoại trong
tương lai và đặt ra mục tiêu cho nước Nga trong 6 năm tới. Thông điệp đưa ra
trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 17/3, trong
đó Tổng thống Putin tham gia tranh cử và có nhiều khả năng tái đắc cử.
Một trong các điểm
nổi bật của Thông điệp Liên bang được Tổng thống Putin trình bày là mục tiêu
đưa nước Nga trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai
gần. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng thống Nga đề xuất khởi động dự án quốc gia
mới là "Gia đình" và "Thanh niên Nga". Về an ninh quốc
phòng, Tổng thống Putin cho biết các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đang
được đặt trong trạng thái sẵn sàng hoàn toàn cho mục đích phòng vệ bất cứ lúc
nào. Về đối ngoại, Tổng thống Putin cho biết Nga đang lên kế hoạch cùng
"các quốc gia thân thiện" xây dựng một cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu
mới, không bị tác động bởi chính trị. Đồng thời, ông Putin khẳng định Nga nỗ lực
xây dựng một đường lối mới về an ninh bình đẳng, sẵn sàng với các cuộc đối thoại.
Theo Người phát
ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Putin là người đích thân soạn thảo
Thông điệp Liên bang năm 2024, sau khi thực hiện hàng chục cuộc điện thoại, gặp
trực tiếp các bộ trưởng, quan chức chính phủ để thảo luận nắm tình hình. Qua đó
có thể thấy tâm huyết, kỳ vọng cũng như nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm giành
lại vị thế cường quốc thế giới cho nước Nga.
3.
Armenia-Azerbaijan bắt đầu đàm phán hiệp ước hòa bình
Ngày 28/2, Ngoại
trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã
bắt đầu cuộc gặp tại Berlin (Đức) để đàm phán hiệp ước hòa bình giúp chấm dứt
cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa các nước vùng Caucasus này.
Thông báo của Bộ
Ngoại giao Armenia có đoạn nêu rõ cuộc họp của các phái đoàn Armenia và
Azerbaijan do các Ngoại trưởng Ararat Mirzoyan và Jeyhun Bayramov dẫn đầu đã bắt
đầu tại Berlin.
Trước đó, Yerevan
và Baku xác nhận kế hoạch tổ chức cuộc gặp tại Berlin nhằm giải quyết các vấn đề
song phương.
Cuộc gặp đã được
lên kế hoạch theo sự nhất trí 3 bên mà Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng
thống Azerbaijan Ilham Aliyev, cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz làm trung gian, đạt
được ở Munich (Đức) hồi đầu tháng này.
Người tị nạn Armenia rời khỏi
Nagorny-Karabakh đi lánh nạn tới các thành phố của Armenia ngày 26/9/2023. (Ảnh:
AFP/TTXVN)
Căng thẳng giữa
hai nước vẫn ở mức cao kể từ tháng 9/2023 khi Azerbaijan bất ngờ đưa quân đến
khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh và chỉ sau 1 ngày giao tranh, Azerbaijan
tuyên bố giành lại quyền kiểm soát khu vực này sau khi các nhóm người sắc tộc
Armenia hạ vũ khí và giải tán lực lượng. Sau đó, hầu hết người sắc tộc Armenia
trong khu vực (hơn 100.000 người) đã di cư sang Armenia.
Tuần trước, Mỹ
tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình giữa
Azerbaijan và Armenia, đồng thời đánh giá một thỏa thuận như vậy là "khả
thi."
4.
Sáu chủ đề ưu tiên tại Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc
Sau 5 ngày đối thoại
sôi nổi tại trụ sở Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ở thủ đô
Nairobi của Kenya (26/2 - 2/3), kỳ họp thứ sáu Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc
(UNEA-6) đã khép lại với việc thông qua 15 nghị quyết, 2 quyết định và 1 tuyên
bố chung cấp bộ trưởng, nhằm ngăn chặn 3 cuộc khủng hoảng của hành tinh - gồm
biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.
Quang cảnh lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 Đại
hội đồng Môi trường LHQ ở Nairobi, Kenya ngày 26/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Với chủ đề chung:
“Các hành động đa phương hiệu quả, toàn diện và bền vững, nhằm giải quyết vấn đề
biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm,” khoảng 70 bộ trưởng và
7.000 đại biểu từ hơn 180 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức liên
chính phủ, hệ thống Liên hợp quốc, các nhóm xã hội dân sự, cộng đồng khoa học
và khu vực tư nhân, đã cùng nhau định hình chính sách môi trường toàn cầu.
15 nghị quyết
không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý được thông qua tại hội nghị là một gói
kế hoạch hành động táo bạo nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề môi trường cấp
bách, từ thúc đẩy lối sống bền vững, hợp tác khu vực về ô nhiễm không khí, quản
lý hợp lý hóa chất và chất thải, thuốc trừ sâu độc hại, chống bão cát và bụi, hạn
chế tiêu thụ quá mức, cho đến các giải pháp hiệu quả và toàn diện nhằm tăng cường
chính sách về nước để đạt được sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, UNEA lần
đầu thông qua nghị quyết về suy thoái đất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chống
sa mạc hóa và suy thoái đất đai, thúc đẩy bảo tồn và quản lý đất đai bền vững.
Ngoài ra còn phải kể đến nghị quyết đưa ra hướng dẫn về cách thế giới có thể
làm tốt hơn trong việc bảo vệ, hỗ trợ và phục hồi môi trường ở những khu vực bị
ảnh hưởng bởi xung đột.
Đại hội đồng Môi
trường Liên Hợp quốc (UNEA) là thiết chế cấp cao ra các quyết định về môi trường
do UNEA thành lập, có vạch ra một tiến trình mới trên con đường cộng đồng quốc
tế chung tay giải quyết các thách thức phát triển bền vững về môi trường. UNEA
họp 02 năm một lần. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, chiến tranh và khủng
hoảng, có thể nói UNEA-6 đã đóng vai trò là một diễn đàn quan trọng đặt nền tảng
cho các nỗ lực phối hợp giữa Liên hợp quốc, các nước thành viên và đối tác để
đưa ra những hành động toàn cầu có ảnh hưởng lớn.
II.
TIN TRONG NƯỚC
1.
Xây dựng Bệnh viện TW Quân đội 108 là trung tâm ghép mô, tạng lớn nhất cả nước
Đánh giá cao các
ca ghép tạng của Bệnh viện, đặc biệt là ca ghép tạng trong dịp Tết vừa qua, đồng
chí Trương Thị Mai nhấn mạnh đây là những thành công rất to lớn của bệnh viện;
thành công này không chỉ là của bệnh viện mà còn là thành tựu chung của cả
ngành Y tế nước ta. Những thành công này sẽ được tiếp tục triển khai, chuyển
giao, nhân rộng đến các bệnh viện khác…
Nhân kỷ niệm 69
năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), chiều 26/2, Ủy viên Bộ
Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai
đã tới thăm, chúc mừng các cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hữu Song, Giám
đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 báo cáo với Đoàn công tác
Báo cáo với Đoàn
công tác, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội
108 cho biết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thành lập ngày 1/4/1951 tại
Làng Nông, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với tên gọi ban đầu
là Bệnh viện Trung ương Yên Trạch. Bệnh viện thực hiện chức năng Viện nghiên cứu
Khoa học y dược lâm sàng từ năm 1995, hiện nay được biên chế tổ chức theo Quyết
định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ & Quyết định số 36/BQP của Bộ Quốc
phòng với 1.830 giường bệnh, 146 đơn vị phòng, khoa, ban. Trong đó có 9 viện
chuyên ngành, 18 trung tâm và các khoa nội, ngoại, cận lâm sàng, các cơ quan và
12 Bộ môn đào tạo sau đại học.
Trong những năm
qua với sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung
ương, Bộ Quốc phòng cũng như sự đồng lòng của tập thể y, bác sĩ và nhân viên, Bệnh
viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác. Bệnh viện đã xây dựng
được một đội ngũ cán bộ giỏi với nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành, luôn hoàn
thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho cán bộ chiến sỹ trong quân đội và
nhân dân.
Trong đó có nhiệm
vụ rất đặc biệt là bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí cán bộ cao cấp nhất
của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của các nước bạn
Lào, Campuchia. Mỗi năm số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại Bệnh viện
không ngừng tăng cao. Năm 2023 là lần đầu tiên trong lịch sử Bệnh viện khám bệnh
trên 1,1 triệu bệnh nhân, cấp cứu trên 30.000 bệnh nhân, thu dung điều trị trên
99.000 bệnh nhân, phẫu thuật 41.000 bệnh nhân, thực hiện trên 23 triệu xét nghiệm.
Trao tặng lẵng hoa
tươi thắm và gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các y, bác sĩ Bệnh viện
Trung ương Quân đội 108 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), thay mặt Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai biểu dương và ghi nhận
thành tích, kết quả mà Bệnh viện đạt được trên mọi mặt công tác, từ khám, điều
trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đến người dân. Đội ngũ cán bộ của Bệnh
viện bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn là những người thầy thuốc khám, chữa bệnh còn
là những người thầy đào tạo cho đội ngũ y, bác sĩ cho các bệnh viện trong cả nước.
2.
Vun đắp quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào
Ngày 26/2, Cuộc gặp
cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đồng
chủ trì đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Tại Cuộc gặp, Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith thông
báo cho nhau về tình hình mỗi đảng, mỗi nước, trong đó có công tác xây dựng Đảng,
phát triển kinh tế - xã hội, trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và những nội
dung hai bên cùng quan tâm; đánh giá kết quả quan hệ hợp tác giữa hai đảng, hai
nước trong thời gian qua; thống nhất những định hướng lớn trong quan hệ hợp tác
Việt Nam - Lào trong thời gian tới.
Hai nhà Lãnh đạo
bày tỏ vui mừng, đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào phát triển ngày
càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó quan hệ chính
trị tiếp tục được tăng cường; hợp tác quốc phòng-an ninh được thúc đẩy có hiệu
quả; hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật có bước chuyển biến
tích cực.
Cuộc gặp cấp cao giữa Đảng Cộng sản
Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì
Hai đồng chí Lãnh
đạo chúc mừng những thành tựu quan trọng và toàn diện mà nhân dân hai nước đã đạt
được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như trong thực hiện
Nghị quyết Đại hội của mỗi đảng; cám ơn về sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí
nghĩa dành cho nhau trong thời gian qua. Hai bên nhấn mạnh truyền thống lịch sử
gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; khẳng định quan hệ Việt Nam - Lào là tài sản vô giá của
hai dân tộc, là tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và là nguồn sức mạnh to lớn
nhất của hai Đảng, hai nước cần được phát huy, truyền tiếp cho các thế hệ mai
sau.
Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng khẳng định, trước sau như một, quan hệ Việt Nam - Lào luôn giữ vai
trò quan trọng đặc biệt, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt
Nam; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung chính nhằm tăng cường quan hệ giữa hai
đảng, hai nước trong thời gian tới.
3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc tại tỉnh Khánh Hòa
Ngày 1/3, tại huyện
Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác
Trung ương đã dự và thực hiện nghi thức động thổ Dự án đường giao thông từ Quốc
lộ 27C đến đường tỉnh CT.656-kết nối với tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng
các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN
Tại lễ động thổ dự
án, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, thực hiện Nghị quyết số
09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh
Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày
11/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển
tỉnh Khánh Hòa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực triển
khai và đạt được những kết quả tích cực. Các cơ chế, chính sách đặc thù từ các
Nghị quyết đã tạo điều kiện cho Khánh Hòa phát triển toàn diện về kinh tế - xã
hội, quốc phòng, an ninh, trong đó có công tác giảm nghèo tại 2 huyện miền núi
Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Dự án đường giao
thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh
Ninh Thuận đi qua huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn được xác định là dự án quan trọng
quốc gia, có quy mô đường cấp III miền núi, chiều dài khoảng 56,7 km, thiết kế
2 làn xe, có tổng chiều rộng nền 9m.
Đây là tuyến đường
giao thông quan trọng, kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, phù hợp
theo định hướng tại Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Quy
hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023; tạo điều kiện
phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và
tỉnh Khánh Hòa nói chung. Qua đó, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển
hàng hóa, du lịch liên vùng với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; tăng cường quốc
phòng, an ninh trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động, thông suốt
trong mọi tình huống để bảo đảm an ninh, quốc phòng; phục vụ hiệu quả công tác
tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng.
III.
TIN TRONG TỈNH
1.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Mạnh Hà dự Lễ phát động Tết trồng cây tại xã
Mai Quai, huyện Sìn Hồ
Chiều 29/02, tại bản
Can Tỷ 2, xã Ma Quai (Sìn Hồ), Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Huyện
ủy Sìn Hồ tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp
Thìn năm 2024. Dự Lễ phát động có các đồng chí: Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết
Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Chu Lê Chinh - Ủy viên Ban Thường
vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phát biểu phát động,
đồng chí Dương Đình Đức - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã ôn lại lịch sử ra đời của
Tết trồng cây. Theo đó, ngày 28/11/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày
Tết trồng cây, từ đó đến nay Tết trồng cây đã trở thành phong trào quần chúng
sâu rộng, một nét đẹp trong văn hoá người Việt Nam.
Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết
Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các đại biểu trồng cây tại
Lễ phát động
Đồng chí đề nghị
các địa phương, đơn vị, các cấp hội nông dân và hội viên hội nông dân trên địa
bàn tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, hăng hái hưởng ứng tham gia phong trào
trồng cây xanh, trồng rừng, phát huy truyền thống tốt đẹp do Chủ tịch Hồ Chí
Minh khởi xướng; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về trồng cây, trồng rừng và phát triển rừng,
phòng chống cháy rừng coi đó là việc làm thường xuyên, liên tục gắn với các hoạt
động phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc thực hiện Tết
trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, linh hoạt thời
gian, địa điểm; mỗi người, mỗi nhà cần hành động để góp phần vào Chương trình
trồng 1 tỷ cây xanh; lựa chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ
nhưỡng của từng nơi, từng địa phương,…
2.
Lai Châu - Lào Cai Tiếp tục triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ hợp tác
Sáng 01/3, tại tỉnh
Lai Châu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu - Lào Cai tổ chức Hội nghị đánh giá kết
quả hợp tác giữa Ban Thường vụ hai tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ hợp tác
năm 2024. Các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu; Đặng Xuân
Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội
tỉnh Lào Cai đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc
Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh: Hợp tác giữa
hai tỉnh đã được thực hiện toàn diện, hiệu quả theo phương châm “Nhận thức
chung - Nhiệm vụ chung - Hành động chung - Sản phẩm chung - Thị trường chung -
Hiệu quả chung”, qua đó góp phần tích cực để 2 tỉnh hoàn thành các mục tiêu,
nhiệm vụ năm 2023.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lai Châu tặng
bức tranh lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Lào Cai
Đồng thời, đề nghị
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai quan tâm phối hợp một số nội dung, như: Đẩy mạnh
triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền
núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và triển khai nhiệm vụ quy hoạch
tỉnh Lai Châu, Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là
phát triển hạ tầng giao thông vận tải kết nối giữa hai tỉnh.
Cùng với đó, tập
trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc thực
hiện dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa.