I. TIN THẾ GIỚI
1. Châu Phi đảm bảo được gần 1 triệu liều
vaccine đậu mùa khỉ
Ngày 28/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng
ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) thông báo đã đảm bảo được gần 1 triệu liều
vaccine phòng đậu mùa khỉ (mpox) cho châu lục này, đồng thời hối thúc các hãng
dược phẩm chia sẻ công nghệ sản xuất để chống lại căn bệnh này.
Đầu tháng này, WHO đã ban bố tình
trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vì bệnh đậu mùa khỉ,
với châu Phi hiện đang ở tuyến đầu của dịch bệnh. Theo WHO, Cộng hòa Dân chủ
Congo hiện chiếm tới 90% số ca nhiễm được ghi nhận trong năm nay. Trước tình
hình này, một số quốc gia đã cam kết gửi vaccine đến các quốc gia châu Phi đang
chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, riêng Tây Ban Nha cam kết cung cấp 500.000 liều.
Công ty dược phẩm Bavarian Nordic của Đan Mạch cũng sẽ hỗ trợ 215.000 liều
vaccine. Trong tuần qua, Đức thông báo sẽ tặng 100.000 liều vaccine phòng bệnh
mpox từ kho dự trữ quân sự của nước này để hỗ trợ các nước châu Phi khống chế sự
bùng phát dịch bệnh này trong ngắn hạn cũng như cung cấp viện trợ cho các quốc
gia bị ảnh hưởng.
2. Lực lượng vũ
trang Nga sẽ có quy mô lớn thứ hai thế giới
Tổng thống Nga Vladimir
Putin ký sắc lệnh tăng quân số của Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga (VS RF)
lên 2.389.130 người, trong đó có 1,5 triệu quân nhân.
Cổng thông tin phân tích quốc phòng
Global Firepower nhận định, động thái trên của Tổng thống Putin sẽ khiến Các
Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga (VS RF) trở thành đội quân có quy mô lớn thứ
hai trên thế giới. Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12 tới. Hiện tại, theo
sắc lệnh do Tổng thống Putin ký vào tháng 12/2023, quân số lực lượng vũ trang
Nga là 2.209.130 người, trong đó có 1,32 triệu quân nhân. Với quyết định mới
nhất nêu trên, Nga sẽ vượt qua Ấn Độ và Mỹ - 2 quốc gia có quân số lực lượng vũ
trang lần lượt là 1,44 triệu và 1,32 triệu. Theo đó, lực lượng vũ trang của Nga
sẽ vươn lên vị trí thứ hai thế giới và chỉ đứng sau Quân Giải phóng Nhân dân
Trung Quốc (2 triệu người) về quy mô quân số. Ngày 17/9, người phát ngôn Điện
Kremlin Dmitry Peskov giải thích trước báo giới về động thái trên:
"Nguyên nhân là do nhiều mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước chúng tôi
dọc theo biên giới". "Điều này là do có nhiều mối đe dọa tồn tại đối
với đất nước chúng ta dọc theo biên giới. Môi trường cực kỳ thù địch
ở biên giới phía tây và sự bất ổn ở biên giới phía đông đòi hỏi phải có những
biện pháp thích hợp", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Đây là lần thứ 3 Nga mở rộng quy mô
quân đội kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Moscow đang tăng tốc tiến công ở miền
Đông Ukraine và tìm cách đẩy lùi lực lượng Ukraine đang chiếm giữ lãnh thổ ở
tỉnh biên giới Kursk.
3.
Thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới
Ngày 18/9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc
(UNICEF) cho biết, lũ lụt và lở đất nghiêm trọng do bão Yagi đã làm ảnh hưởng đến
gần 6 triệu trẻ em tại khu vực Đông Nam Á, cụ thể là việc tiếp cận nguồn nước sạch,
giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nơi trú ẩn.
Bà June Kunugi, Giám đốc UNICEF khu vực
Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: Trẻ em và những gia đình dễ bị tổn thương
nhất đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc nhất mà cơn bão Yagi để lại. Ưu
tiên ngay lúc này là khôi phục các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em và các gia
đình, bao gồm nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Sự gia tăng các hiện tượng
thời tiết cực đoan ở Đông Nam Á, trầm trọng hơn bởi biến đổi khí hậu, là một lời
nhắc nhở: khi thảm họa xảy ra, những trẻ em dễ bị tổn thương thường phải chịu đựng
nhiều nhất.
Trong một cuộc họp diễn ra tại thành phố
Wroclaw, Ba Lan, ngày 19/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen
đã công bố gói hỗ trợ 10 tỷ euro (11 tỷ USD) từ Quỹ Liên kết của Liên minh châu
Âu (EU) cho các quốc gia Trung Âu bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng do bão
Boris gây ra. Bà von der Leyen cho biết, EU có hai nguồn là Quỹ Liên kết và Quỹ
Đoàn kết, có thể sử dụng để hỗ trợ tài chính nhằm sửa chữa và tái thiết cơ sở hạ
tầng. Theo bà von der Leyen, đây là khoản hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp các nước bị
ảnh hưởng.
Trong tuần qua, mưa lớn bất thường đã gây
lũ quét tàn phá nhiều khu vực rộng lớn tại Áo, Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc.
Thảm họa khiến nhiều người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập và cơ sở hạ
tầng bị hư hại nặng nề. Trận lũ lụt tại Trung Âu đã gây ra những thiệt hại kinh
tế nghiêm trọng, với ước tính ban đầu rơi vào khoảng 1 tỷ euro.
II. TIN TRONG NƯỚC
1. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân
đội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), sáng 30/8, đoàn đại biểu Ban
Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và
dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt
sĩ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội). Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng
trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập",
khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam).
Thực hiện di huấn của Người, toàn
Đảng, toàn quân, toàn dân nguyện ra sức học tập, công tác, vận dụng sáng tạo tư
tưởng của Người vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyết tâm vượt qua
khó khăn, thách thức, vững bước trên con đường đổi mới và phát triển, vì một
Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Hơn 23 triệu học sinh cả nước
bước vào năm học mới
Sáng 05/9, học sinh cả nước chính
thức bước vào năm học mới 2024-2025, với hơn 23 triệu học sinh cả nước. Năm học
2024 - 2025, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng theo
Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tập trung vào đổi mới giáo dục và
đào tạo. Với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và nâng cao chất lượng, ngành Giáo
dục đặt mục tiêu hoàn thành tốt nhất các kế hoạch đề ra. Đặc biệt, ngành sẽ
triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục
thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng
yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Hoàn thành chu trình đầu tiên
của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời chuẩn bị cho chương trình
giáo dục mầm non mới. Chủ đề năm học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao
chất lượng, đoàn kết kỷ cương” với 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
3. Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại Thủ đô Hà Nội.
Hội
nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận, cho ý
kiến về các nội dung: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa XIII; Dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về
công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam;
Dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết công
tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực
hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng,
nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030; Báo cáo Tổng kết thực
hiện Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày
9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và dự thảo sửa đổi, bổ sung
Quy chế bầu cử trong Đảng; dự thảo Tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XIII và Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIV; giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm
kỳ 2026 - 2031; bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm
kỳ 2026 - 2031; Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Báo cáo
đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà
nước năm 2025; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2025 -
2027; chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc -
Nam; chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; bầu bổ sung Ủy
viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và một số nội dung quan trọng khác.
Đồng
chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì và có bài phát biểu quan trọng
khai mạc, bế mạc Hội nghị.
4. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên
đường dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và thăm Cuba
Sáng
21/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao
Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại
hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ và sau đó thăm cấp Nhà nước
tới Cuba theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz Canel Bermúdez và phu nhân.
Chuyến công tác, làm việc của Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Tô Lâm tại Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục khẳng định
những đóng góp của Việt Nam đối với tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, đồng
thời cho thấy sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong tham gia giải quyết các
vấn đề khu vực và thế giới.
Chuyến công tác tại Hoa Kỳ diễn ra đúng
vào dịp kỷ niệm một năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn
diện và đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan
hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2025. Đây là dịp quan trọng để hai bên
cùng nhìn lại những thành tựu mà khuôn khổ quan hệ mới mang lại, đồng thời thảo
luận về những định hướng và biện pháp lớn để tiếp tục duy trì đà phát triển
tích cực, ổn định, thực chất của quan hệ trong nhiều năm tới.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là minh chứng khẳng định mối quan hệ đoàn kết
truyền thống, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba đã và vẫn luôn được coi là tài
sản quý báu, được Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước hết sức vun đắp, đồng thời
thể hiện sự coi trọng cao của Việt Nam đối với Cuba và vị trí của Cuba trong
chính sách đối ngoại của Việt Nam.
5. Ban Vận động Cứu trợ Trung ương tiếp nhận số tiền ủng hộ
trên 1.628 tỷ đồng
Ngày 20/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ
tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tiếp nhận ủng hộ đồng bào
bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 gây ra từ đoàn của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại
diện ngoại giao và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chủ tịch
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, cơn bão số 3 với cường độ rất mạnh cùng
hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề ở địa bàn 26 tỉnh, thành phố, làm
nhiều người chết và mất tích, hàng ngàn người bị thương, hàng chục ngàn ngôi
nhà bị đổ nát, hư hỏng nặng, hàng trăm ngàn ha lúa, hoa màu của người dân bị
thiệt hại. Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã
huy động hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang cùng với người dân
ở cộng đồng phòng chống, giảm thiểu thiệt hại. MTTQ Việt Nam đã kêu gọi các tổ
chức, cá nhân, doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế ủng hộ
vật chất, tinh thần, chia sẻ khó khăn, mất mát, thiệt hại của người dân. Tập
trung cao nhất nguồn lực sớm khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống của nhân
dân.
Sau 10
ngày ra lời kêu gọi, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận số tiền ủng
hộ trên 1.628 tỷ đồng, từ số tiền tiếp nhận được, Ban Vận động Cứu trợ Trung
ương đã phân bổ 1.035 tỷ đồng tới 26 địa phương.
III.
TIN TRONG TỈNH
1. Hấp dẫn, độc đáo Ngày hội Văn hoá, thể
thao các dân tộc huyện Than Uyên năm 2024
Trong khuôn khổ Tết Độc lập và Ngày hội
Văn hoá, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên năm 2024 (diễn ra trong 4 ngày, từ
ngày 31/8 đến 2/9), đã diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao gồm: Hội thi ẩm
thực truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên; Lễ buộc chỉ cổ tay;
Giải chạy KINOMO Than Uyên; đua thuyền Kayak trên vịnh Pá Khôm xã Pha Mu; trưng
bày chuyên đề di sản văn hoá phi vật thể dân tộc Mông gắn với “Lễ hội Gầu tào
và trò chơi dân gian”; triển lãm ảnh, sách, báo, tài liệu địa chí; Đêm nhạc
thanh niên; các hoạt động tại không gian văn hoá dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ
Mú… mang đến nhiều sắc màu văn hóa độc đáo.
Các môn thể thao dân tộc với sự tham gia của
vận động viên đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Than Uyên tham gia thi
đấu các môn: tù lu, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co. Hoạt động du lịch với nội dung
trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP và một số nông sản đặc trưng
của các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu; UBND các xã, thị trấn thuộc huyện
Than Uyên và một số huyện của tỉnh Lào Cai, Yên Bái giáp ranh với huyện Than
Uyên…
2. Khẩn trương
khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động
sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão
Sáng 15/9, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội
nghị trực tuyến với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) về tình
hình hậu quả, thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra, các giải pháp
khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động
sản xuất, kinh doanh sau bão. Đồng chí Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị,
Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 26
địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc.
Tại
điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên Ban Chấp hành (BCH)
Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội
tỉnh; Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở,
ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh… dự.
Tại
tỉnh Lai Châu, qua rà soát, đến ngày 13/9, trên địa bàn tỉnh không có địa
phương bị ngập lụt, đến thời điểm hiện tại không có điểm dân cư bị cô lập.
Thiên tai đã làm 1 người chết; 17 nhà bị ảnh hưởng; nhiều diện tích hoa màu bị
đổ, gãy, ngập úng; nhiều công trình giao thông sạt lở nghiêm trọng… ước thiệt
hại khoảng 5,8 tỷ đồng. Tỉnh ủy đã lãnh, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND
tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện ủy, thành ủy tập trung cao độ để
phòng ngừa, ứng phó với mưa, lũ, sạt lở do hoàn lưu cơn bão số 3; tổ chức thăm
hỏi, động viên gia đình người bị nạn; kịp thời sơ tán, di dời người và tài sản
của nhân dân đến nơi an toàn...
Ngay
sau khi Hội nghị kết thúc, tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Giàng Páo Mỷ -
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chỉ đạo
trực tiếp các đồng chí tham dự chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 3. Đồng chí
yêu cầu thời gian tới các sở, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, tập
trung cao độ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để
chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra; tiếp tục rà soát các điểm dân
cư có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để di dời đến nơi an toàn...
3. Hội nghị chuyên đề
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV
Sáng
14/9, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XIV tổ chức Hội nghị chuyên đề để
xem xét, thảo luận các nội dung quan trọng: Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030 và Đề cương chi
tiết Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV,
nhiệm kỳ 2020 -2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; Quán
triệt Kết luận số 92-KL/TW, ngày 14/8/2024 của Bộ Chính trị về định hướng phát
triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Mỹ đến năm 2030.
Trên
tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến
vào các nội dung: chủ đề, chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá, nhiệm vụ
trọng tâm và đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ
XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị Đại hội đại
biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025-2030. Việc bố trí sử dụng nguồn vốn
cho nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó cần ưu tiên, cân đối cho các dự án giao thông,
di dân, quảng bá và hạ tầng du lịch…
4. Hội nghị tập huấn các văn kiện Đại
hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030
Hội
nghị tập huấn được tổ chức trong 2 ngày (12-13/9) với 4 chuyên đề được truyền
đạt. Các đồng chí báo cáo viên đã tích cực, chủ động, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể
từng nội dung chuyên đề; áp dụng công nghệ thông tin, chuẩn bị Slide đối
với từng chuyên đề. Sau phần lý luận, các nhóm thuộc đảng bộ huyện, đảng bộ xã
tiến hành thực hành, thảo luận trên cơ sở nội dung được phân công và chuẩn bị.
Các nội dung thực hành, thảo luận bám sát các chuyên đề tập huấn, ngoài các nội
dung gợi ý nhiều học viên đã có những câu hỏi thực tiễn liên quan đến việc tổ
chức đại hội đảng các cấp diễn ra trong thời gian tới.
Các
Đảng bộ trực thuộc tham gia hội nghị tập huấn đã chấp hành tốt nội quy, quy chế
của hội nghị học; tham gia hội nghị tập huấn cơ bản đầy đủ, trách nhiệm; tổ
chức phân công chuẩn bị kỹ nội dung thực hành và thảo luận các chuyên đề đảm
bảo trọng tâm, chất lượng, hiệu quả, khá sôi nổi. Kết thúc hội nghị tập huấn
100% học viên đã có ý kiến vào phiếu nhận xét, đánh giá đối với quá trình tổ
chức hội nghị tập huấn.
Sau
hội nghị tập huấn, các học viên tiếp tục nghiên cứu vận dụng linh hoạt trong
quá trình chuẩn bị các văn kiện đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 tại cơ quan, đơn vị.
Đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các chi,
Đảng bộ trực thuộc nắm vững cách thức chuẩn bị các văn kiện đại hội để góp phần
tiến hành đại hội thành công tốt đẹp.
IV. TIN TRONG ĐẢNG BỘ KHỐI
1. Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu
Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2025-2030
Sáng
20/9, Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh
nghiệp tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2025-2030 tổ chức họp nhằm phân công
nhiệm vụ cho các thành viên và triển khai công việc.
Đồng
chí Vũ Văn Lương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối, Trưởng Tiểu ban Văn kiện
chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí thành viên Tiểu ban Văn kiện Đại hội,
Tổ giúp việc Tiểu ban Văn kiện.
Tại
cuộc họp đã thông qua Quyết định thành lập Tiểu ban Văn kiện; cho ý kiến vào dự
thảo Quy chế làm việc, thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên; kế hoạch
làm việc của Tiểu ban; thông qua dự thảo Đề cương chi tiết báo cáo kiểm điểm,
báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2025-2030.
Các
đại biểu dự cuộc họp tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, bổ sung nội dung các
bản dự thảo nhất là dự thảo đề cương chi tiết báo cáo kiểm điểm, báo cáo chính
trị Đại hội Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2025-2030 nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được
phân công.
Phát
biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Vũ Văn Lương - Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị các
cơ quan tham mưu giúp việc hoàn thiện quy chế làm việc, thông báo phân công
nhiệm vụ các thành viên, kế hoạch làm việc của Tiểu ban. Các thành viên Tiểu
ban trên cơ sở nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo
quy định. Đối với xây dựng đề cương chi tiết báo cáo chính trị, báo cáo kiểm
điểm, đồng chí đề nghị Tổ giúp việc Tiểu ban hoàn chỉnh và triển khai các bước
tiếp theo theo kế hoạch.
2. Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh mở lớp bồi
dưỡng nhận thức về Đảng đợt 2 năm 2024
Từ
ngày 16-20/9/2024, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh mở lớp bồi
dưỡng nhận thức về Đảng đợt 2 năm 2024 cho 42 quần chúng ưu tú tại 15 chi, đảng
bộ cơ sở trực thuộc.
Trong
thời gian 5 ngày học tập, các học viên đã được tiếp thu
và thảo luận 5 chuyên đề, gồm: Khái quát lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; những nội
dung cơ bản của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; Học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phấn đấu trở thành đảng viên Đảng cộng
sản Việt Nam. Ngoài ra, học viên còn được nghiên cứu về Lịch sử
Đảng bộ tỉnh Lai Châu và Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu.
Việc học tập lớp bồi dưỡng giúp các học viên xác định được động cơ vào Đảng
đúng đắn, tích cực rèn luyện và phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt
Nam. Trong quá trình học tập, các học viên đã chấp hành tốt
nội quy khóa học, lớp học đã diễn ra an toàn, hiệu quả, qua đó, 100% học viên
được công nhận hoàn thành khóa học, trong đó 90% đạt loại khá và
giỏi.
Tại lễ bế giảng, Đảng ủy Khối đã trao
giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành xuất sắc trong khóa học.
V. VĂN BẢN MỚI
1. Văn bản Trung ương
-
Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện nghị
quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
“Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội
nhập quốc tế”.
2. Văn bản của Tỉnh ủy
-
Chương trình hành động số 55-CTr/TU, ngày 28/8/2024 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị
quyết số 29- NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
về tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.
3. Văn bản của Đảng ủy Khối
-
Kế hoạch số 134-KH/ĐUK, ngày 26/8/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối kế hoạch
tổ chức đại hội điểm cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2025-2030.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI