ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
THÔNG TIN THỜI SỰ NỔI BẬT THÁNG 11 NĂM 2023
Lượt xem: 7457
Định hướng nội dung thông tin thời sự và phổ biến, quán triệt văn bản trong sinh hoạt chi bộ tháng 10/2023 

I. TIN THẾ GIỚI

1. APEC 2023: Tuyên bố Cổng Vàng hướng đến một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người

Ngày 17/11 theo giờ Mỹ, Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 đã kết thúc tại San Francisco (Mỹ) với việc thông qua Tuyên bố Cổng Vàng về xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta phải khai thác tiến bộ công nghệ và kinh tế để tiếp tục giải phóng tiềm năng và sự năng động to lớn trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như giải quyết mọi thách thức môi trường, bao gồm cả biến đổi khí hậu”.

anh tin bai

Tuyên bố được thông qua sau cuộc họp kéo dài hai ngày, trong đó các nhà lãnh đạo tập trung vào các chủ đề về tính bền vững, khí hậu, chuyển đổi năng lượng, kết nối và xây dựng nền kinh tế toàn diện và kiên cường. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm mang lại một môi trường đầu tư và thương mại tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể dự đoán. Bên cạnh đó, hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực APEC. Các nền kinh tế APEC cũng cam kết tăng cường các nỗ lực xây dựng năng lực và hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ việc tham gia vào các cam kết khu vực toàn diện và có chất lượng cao.

Trong khuôn khổ tuần lễ APEC, cùng ngày 17/11, các Bộ trưởng thương mại và ngoại giao APEC đã cam kết ủng hộ cải cách WTO, bao gồm cải tổ chức năng giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Trong một tuyên bố sau hội nghị, các Bộ trưởng nêu rõ để đảm bảo “vai trò quan trọng” của WTO, "chúng tôi ủng hộ cải cách tổ chức này để cải thiện tất cả các chức năng của WTO, để các thành viên có thể thực hiện tốt hơn các mục tiêu nền tảng của tổ chức và giải quyết các thách thức thương mại toàn cầu hiện nay và đang nổi lên”. 

2. Chiến sự tiếp tục diễn biến phức tạp tải dải Gaza

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 15/11 kêu gọi tạm dừng giao tranh khẩn cấp giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas trong một khoảng thời gian đủ để hoạt động cứu trợ có thể đến tay người dân.

anh tin bai

Ngày 19/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Gaza, giữa lúc số người thiệt mạng do chiến sự leo thang tại khu vực này không ngừng gia tăng.

anh tin bai

Ngày 21/11, lãnh đạo phong trào Hamas - ông Ismail Haniyeh đề cập tới việc lực lượng này đang “gần tiến tới” một thỏa thuận ngừng bắn với Israel.

Ngày 22/11, Israel tuyên bố sẽ nối lại chiến dịch tấn công ở Dải Gaza ngay sau khi thực hiện thỏa thuận ngừng bắn mới được ký kết với phong trào Hamas về giải phóng con tin. đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng xung đột sẽ tái bùng phát ở Gaza sau thời gian tạm ngưng tiếng súng. Việc các bên liên quan chưa thể thông qua một lệnh ngừng bắn thực sự nhằm hướng tới các giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột sắp bước sang tháng thứ 2 liên tiếp cho thấy, thỏa thuận đạt được vẫn chưa thể thay đổi động lực căn bản thúc đẩy Israel thực hiện chiến dịch quân sự ở Gaza. Sau nhiều ngày người dân Gaza phải hứng chịu những “cơn bão” bom đạn xung đột, khu vực này lại đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với một cơn “hoàn lưu” mà hậu quả của nó thì không ai có thể đoán trước được.

3. Thiên tai, hỏa hoạn xảy ra ở nhiều nước

3.1. Động đất ở Nepal: Theo Trung tâm Địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải, ngày 6/11, một trận động đất mạnh 5,2 độ đã xảy ra ở Nepal, tiếp theo đó là một trận động đất nhỏ hơn khiến 3 người bị thương. Một trận động đất khác cũng xảy ra ở quốc gia này vào ngày 5/11 và có thể cảm nhận được ở Kathmandu và Delhi, gây ra lở đất, làm hư hại nhà cửa, đường sá, cơ sở hạ tầng…

anh tin bai

Các trận động đất này xảy ra chỉ vài ngày sau khi một trận động đất có độ lớn 6,4 đã tàn phá khu vực phía Tây Nepal hôm 3/11, khiến 157 người thiệt mạng và hơn 250 người bị thương. Trong đó, có tới 82 trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng. Đây là trận động đất gây thương vong lớn nhất kể từ 2 trận động đất kép xảy ra năm 2015, khiến khoảng 9.000 người thiệt mạng, đồng thời gây thiệt hại 6 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia trên dãy Himalaya này.

3.2. Lũ lụt khiến hơn 100 người thiệt mạng ở vùng Sừng châu Phi:

Tổ chức phi chính phủ “Save the Children”, có trụ sở tại Anh, ngày 16/11 công bố báo cáo ghi nhận ít nhất 111 nạn nhân, trong đó có 16 trẻ em, đã thiệt mạng và 700.000 người khác buộc phải di dời do mưa lớn dẫn đến lũ lụt ở vùng Sừng châu Phi trong những tuần gần đây. Hiện tượng khí hậu El Nino đang làm trầm trọng thêm những hậu quả do mùa mưa trong khu vực gây ra, đặc biệt ảnh hưởng đến Somalia, Ethiopia và Kenya.

anh tin bai

Sừng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng gia tăng. Kể từ cuối năm 2020, Somalia, cùng một phần của Ethiopia và Kenya đã hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong khu vực suốt 40 năm qua.

3.3. Bão Otis ở Mexico: Ngày 01/11, Bộ trưởng Tài chính Mexico Rogelio Ramirez De La O cho biết, Chính phủ nước này vừa phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 61,3 tỷ peso (3,4 tỷ USD) nhằm tái thiết thành phố du lịch biển Acapulco, bang Guerrero vừa bị siêu bão Otis tàn phá tuần trước.

anh tin bai

Siêu bão Otis đã khiến 46 người thiệt mạng và 58 người mất tích; gây thiệt hại kinh tế 15 tỷ USD. Khoảng 273.000 nhà ở, 600 khách sạn và 120 bệnh viện bị hư hại, nhiều nhà hàng và cơ sở kinh doanh bị bão tàn phá. Bão Otis được xem là một trong những cơn bão mạnh nhất tràn vào quốc gia Mỹ Latinh này trong 30 năm.

4. Năm 2023 có thể là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua

Các nhà khoa học Liên minh châu Âu (EU) cho biết năm nay "gần như chắc chắn" là năm nóng nhất trong 125.000 năm, sau khi dữ liệu cho thấy tháng trước là tháng 10 nóng nhất trong cùng giai đoạn. Tháng 10 của năm 2023 đã phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ tháng 10 trước đó, được thiết lập vào năm 2019, với mức chênh lệch lớn, theo Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của EU. Trên toàn cầu, nhiệt độ không khí bề mặt trung bình trong tháng 10 cao hơn 1,7 độ C so với cùng tháng trong giai đoạn 1850-1900, những thập niên mà Copernicus định nghĩa là thời kỳ tiền công nghiệp.

anh tin bai

Trong một tuyên bố, C3S cho biết việc kỷ lục nhiệt độ tháng 10 bị phá vỡ có nghĩa là năm 2023 hiện "gần như chắc chắn" là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Kỷ lục trước đó là năm 2016, năm mà hiện tượng El Nino cũng xảy ra.

II. TIN TRONG NƯỚC

1. Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh

anh tin bai

Với 470/472 đại biểu Quốc hội tán thành, bằng 95,14% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết, chiều 25/10, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng thư ký Quốc hội trình bày dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Một số hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước

2.1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo Bác

Sáng ngày 02/11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023. Nhiều năm nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhu cầu văn hóa tinh thần bền bỉ, là nét đẹp của giá trị và lối sống văn hóa của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

anh tin bai

Vượt lên quy mô một cuộc vận động từ năm 2006 đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu văn hóa, thành giá trị trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là trong đời sống chính trị của Đảng.

2.2. Một số hoạt động đối ngoại của Thủ tướng chính phủ

- Chiều 27/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Yamamoto Ichita, Thống đốc tỉnh Gunma (Nhật Bản) đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

anh tin bai

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Ngài Thống đốc đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Đoàn của Ngài Thống đốc là đoàn lãnh đạo địa phương Nhật Bản thứ 11 sang thăm Việt Nam trong năm 2023, là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, sôi động của hợp tác địa phương hai nước.

- Sáng ngày 02/11, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Mark Rutte cùng đoàn đại biểu cấp cao Hà Lan thăm chính thức Việt Nam từ ngày 01 đến 02/11.

anh tin bai

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Mark Rutte diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hà Lan tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước (năm 2010), Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (năm 2014) và Đối tác toàn diện (năm 2019).

- Chiều 9/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Thượng tướng Kurenkov Aleksandr Vyacheslavovich, Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

anh tin bai

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Liên bang Nga; coi Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu của mình; mong muốn tiếp tục hợp tác thực chất và hiệu quả với Nga trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích chung của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

- Chiều 15/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hungary Tuzson Bence đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

anh tin bai

Thủ tướng đề nghị Hungary hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện thể chế; chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoạt động tư pháp.

2.3. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023

Thành công của chuyến công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trong các hoạt động đối ngoại đa phương và song phương, góp phần tiếp tục duy trì và củng cố cục diện đối ngoại hòa bình, ổn định, thuận lợi sự phát triển đất nước.

anh tin bai

Trong khuôn khổ các hoạt động tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023 và các sự kiện liên quan, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có hàng loạt hoạt động bao gồm tham dự các cuộc họp, cuôc làm việc, tiếp xúc song phương…Chủ tịch nước đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 30; tham dự và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit); tiếp Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ APEC; dự Cuộc gặp các nhà lãnh đạo cấp cao Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF); dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC); dự đối thoại và ăn trưa và làm việc với Khách mời; dự Phiên họp hẹp các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Chủ tịch nước cũng đã dành thời gian thăm quan, nói chuyện với các doanh nghiệp Việt Nam có gian hàng trưng bày trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC.

Đặc biệt, trong thời gian Tuần lễ Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các khách mời. Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nền kinh tế, các khách mời đánh giá cao vị thế, vai trò của Việt Nam; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, đẩy mạnh hợp tác chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kết nối giữa các địa phương của Việt Nam và các nước, giao lưu nhân dân cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. 

3. Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt thân mật các nhà giáo tiêu biểu

Chiều 17/11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu.

anh tin bai

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các thầy cô nhân Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) - ngày “Tết” của các thầy cô; đồng thời nhấn mạnh đây chính là một trong những truyền thống đáng quý của người Việt Nam: là tôn vinh, đề cao những người cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao quý. Theo Thủ tướng, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa và con người Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, giáo dục đã tồn tại, phát triển cùng đất nước, luôn đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của nước nhà. Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và đã đạt được những kết quả quan trọng về tư duy, nhận thức, phương thức, quy mô, chất lượng dạy và học; về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo; về cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực; về hội nhập quốc tế…

III. TIN TRONG TỈNH

 1. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Lai Châu

Trong chương trình công tác tại tỉnh Lai Châu, sáng 19/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay. Thủ tướng nhấn mạnh, Lai Châu là tỉnh có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồng thời có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thủy điện, khai khoáng và thương mại, xuất nhập khẩu, kinh tế cửa khẩu. Đồng tình với báo cáo, ý kiến tại buổi làm việc; ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu góp phần vào thành tựu chung của cả nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, thách thức của tỉnh, như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, những nút thắt về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực, thu ngân sách khó khăn, an ninh trật tự, nhất là tội phạm ma túy vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh để điều chỉnh phù hợp. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

anh tin bai

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn công tác của trung ương còn có nhiều hoạt động khác: Dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu; đến thăm, làm việc tại Đồn Biên phòng Huổi Luông, huyện Phong Thổ; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ; dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư xã Sà Dề Phìn, Sìn Hồ, Lai Châu; thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Pa Tần, huyện Sìn Hồ; tới thăm gia đình chính sách tại thành phố Lai Châu.

2. Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV

Ngày 21/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 17.

Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến vào Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh năm 2023, kế hoạch 2024. Theo đó, năm 2023, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, quyết tâm, quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành 37/43 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.

anh tin bai

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã phân tích những kết quả đạt được, tồn tại, nguyên nhân, hạn chế đồng thời đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Về dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2024, cần tính toán xây dựng chỉ tiêu thu ngân sách có tính phấn đấu cao để có thể đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách vào năm 2025. Đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, cần bám sát kế hoạch vốn và các quy định, hướng dẫn của Trung ương, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối vốn trong năm 2024 và tiến độ thực hiện các dự án. Về dự thảo Nghị quyết thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu nghiên cứu kỹ dự thảo nghị quyết và đề án, tập trung thảo luận, thống nhất các quan điểm lãnh đạo, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của tỉnh, đồng thời xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết.

3. Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023 thành công tốt đẹp

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”, Ngày hội đã diễn ra thành công và đạt được các mục tiêu mà Ban Tổ chức hướng tới. Qua đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người toàn quốc nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam nói chung.

anh tin bai

Liên hoan văn nghệ quần chúng với sự tham gia của 9 đoàn với gần 400 nghệ nhân, diễn viên, có 45 tiết mục văn hóa nghệ thuật khác nhau; 8 tỉnh tham dự Ngày hội đã lựa chọn và dàn dựng trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người ở địa phương mình. Nội dung trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với du khách thập phương qua phần thể hiện của các nghệ nhân trong quy trình tạo ra các sản phẩm của nghề thêu dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống...Với 20 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng, các sản phẩm OCOP, nông nghiệp tiêu biểu; Sâm Lai Châu; các gian hàng của nước bạn Trung Quốc và Lào đã mang đến cho du khách và Nhân dân cơ hội mua sắm và trải nghiệm thú vị tại ngày hội. 

4. Phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử Lai Châu

Sáng 06/11, tại Trung tâm Hội nghị Văn hóa tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2024); 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 -10/10/2024) và 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1/1/2004-1/1/2024) theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu tỉnh tới điểm cầu các huyện, thành phố.

anh tin bai

Cuộc thi sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc nhằm khơi dậy lòng tự hào, niềm tin và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc Lai Châu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trên những chặng đường tiếp theo; ra sức thi đua hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.

Thời gian diễn ra Cuộc thi dự kiến từ 06/11/2023 đến hết 03/12/2023, gồm
4 tuần thi: Tuần thứ nhất từ ngày 6-12/11/2023; tuần thứ hai từ ngày 13- 9/11/2023; tuần thứ ba từ ngày 20-26/11/2023 và tuần thi thứ tư từ ngày 27/11 - 03/12/2023.

IV. TIN TRONG ĐẢNG ỦY KHỐI

1. Triển khai quyết định giám sát đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh

Chiều 20/11, Đoàn Giám sát Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do đồng chí Lê Đức Dục, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

anh tin bai

 Đoàn Giám sát thông qua Quyết định giám sát của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021-2025; thông qua kế hoạch giám sát, thống nhất chương trình, thời gian, phương pháp làm việc.  

2. Hội nghị báo cáo viên trực tuyến tháng 11/2023

Sáng ngày 16/11, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức điểm cầu Hội nghị báo cáo viên trực tuyến tháng 11/2023, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị đã thông tin các chuyên đề và quán triệt một số nội dung: Một số nét khái quát về công nhân hiện nay và về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028; Hội nghị Cán bộ quản lý trại giam khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 41 do Việt Nam đăng cai tổ chức; những kết quả nổi bật của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới…

anh tin bai

Định hướng tuyên truyền và Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, các đồng chí báo cáo viên của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước tiếp tục tuyên truyền về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và nêu rõ nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức đối với công tác kiểm tra, giám sát để tăng cường niềm tin của cán bộ, người dân đối với Đảng, Nhà nước. 

V. VĂN BẢN QUÁN TRIỆT, TRIỂN KHAI

Đảng ủy Khối đã ban hành các công văn chỉ đạo quán triệt, học tập, tuyên truyền, triển khai các văn bản mới của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đề nghị cấp ủy các chi, đảng bộ cơ sở rà soát lại kết quả thực hiện ở đơn vị. Đối với những văn bản chưa triển khai quán triệt, đề nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, người lao động. Đối với những văn bản đã được quán triệt, học tập thì không phải quán triệt, triển khai lại; lựa chọn những văn bản có liên quan để chỉ đạo tuyên truyền thường xuyên; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với lãnh đạo cơ quan triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

1. Văn bản của Trung ương

- Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

- Quy định số 125-QĐ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

- Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

- Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

- Kết luận số 63-KL/TW của Ban Bí thư về chủ trương công tác đối với Công giáo Việt Nam (Quản lý theo chế độ Tối Mật).

2. Văn bản của tỉnh

- Kết luận số 584- KL/TU ngày 13/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 11/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường lãnh đạo công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

- Thông báo kết luận số 834-TB/TU, ngày 23/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sơ kết Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịchgiai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Kế hoạch số 205-KH/TU, ngày 11/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnhuỷ Lai Châu về tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu lịch sử 115 năm thành lập tỉnh (28/6/1909-28/6/2024), 75 năm thành lập Đảng  bộ  tỉnh  (10/10/1949-10/10/2024),  20  năm  chia  tách,  thành  lập  tỉnh (01/01/2004 -01/01/2024)”.

3. Văn bản Đảng uỷ Khối

- Hướng dẫn số 106-HD/BTGĐUK ngày 14/11/2023 của Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu về Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028.

VI. VĂN BẢN TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Năm 2023, Trung ương, Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối đã ban hành quy định, kế hoạch, hướng dẫn mới về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản sau đến cán bộ, đảng viên, người lao động, tạo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện.

1. Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 04/10/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

2. Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW, ngày 10/11/2023 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

3. Quy định số 18-QĐ/TU, ngày 15/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

4. Kế hoạch số 215-KH/TU, ngày 20/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân lãnh đạo quản lý thuộc thẩm quyền của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

5. Kế hoạch số 106-KH/ĐUK, ngày 22/11/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân lãnh đạo quản lý thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối năm 2023.

Nguồn bài viết: BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI (Tổng hợp)
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập