ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
THÔNG TIN THỜI SỰ NỔI BẬT THÁNG 01 NĂM 2024
Lượt xem: 8808
Nội dung thông tin thời sự và phổ biến, quán triệt văn bản trong sinh hoạt chi bộ tháng 01/2024

1. Tin Quốc tế

1.1. Tết Nguyên đán trở thành ngày nghỉ lễ của Liên hợp quốc

Việc Đại hội đồng thông qua Nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Ngày 22/12, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hàng năm của Liên hợp quốc. Nghị quyết của Đại hội đồng nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ được kỷ niệm ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

anh tin bai

Nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ LHQ được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng ngày 22/12/2023

Việc Đại hội đồng thông qua Nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hoá cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động tại Liên hợp quốc, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo Liên hợp quốc hồi tháng 8/2023 và tích cực thúc đẩy vấn đề này.

Theo quy định, cán bộ nhân viên của Liên hợp quốc mỗi năm có 10 ngày nghỉ lễ. Nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 22/12/2023 đã đưa Tết Nguyên đán (Lunar New Year - ngày đầu tiên năm mới âm lịch) trở thành 01 trong 10 ngày nghỉ lễ của Liên hợp quốc kể từ năm 2024.

1.2. IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sụt giảm trong năm 2024

Ngày 18/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, mức tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu sẽ giảm từ 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024.IEA cho biết, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu đã chậm lại, xuống còn 1,7 triệu thùng/ngày từ mức 2,8 triệu thùng/ngày trong quý III/2023. Theo giải thích của IEA, những khó khăn chung về kinh tế, cùng với các chính sách chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo mà nhiều nước đang thúc đẩy là hai trong số những lý do chính dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu. 

anh tin bai

IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024. (Ảnh: Reuters)

Trong báo cáo hồi đầu tuần, IEA cho biết, việc sử dụng năng lượng tái tạo trong năm 2023 đã tăng thêm 50% so với năm 2022, đồng thời kêu gọi các nước cần đầu tư và sử dụng nhiều hơn nữa loại năng lượng này, góp phần thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, IEA nhận định nguồn cung dầu mỏ trên thế giới sẽ tiếp tục tăng do sản lượng khai thác kỷ lục của các nước như Mỹ, Brazil và Guyana.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, bất chấp việc cắt giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương, do hoạt động kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng chịu tác động của việc tăng lãi suất vào năm 2022 và 2023.

1.3 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2024 có chủ đề: "Xây dựng lại niềm tin”

Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024 với chủ đề: "Xây dựng lại niềm tin” đã diễn ra tại thành phố Davos của Thụy Sĩ trong các ngày 15 - 19/1. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế - xã hội tại nhiều nơi trên thế giới có những diễn biến phức tạp và bất ổn.

Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, các nhà lãnh đạo WEF thừa nhận sự cần thiết phải khôi phục lại sự tín nhiệm giữa các quốc gia để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và rủi ro có thể gây ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).

anh tin bai

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024  sẽ diễn ra tại thành phố Davos, Thụy Sĩ trong các ngày 15 - 19/1. (Ảnh: Reuters)

Trên cơ sở đó, chương trình nghị sự của hội nghị năm nay xoay quanh 4 chủ đề quan trọng. Hội nghị đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc phát triển các phương pháp tiếp cận có hệ thống vì một thế giới không có carbon và hướng tới môi trường thiên nhiên tích cực vào năm 2050, đồng thời cân bằng các giá trị để đạt được sự đồng thuận xã hội.

WEF cũng là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác. Hội nghị là diễn đàn chia sẻ quan điểm và các giải pháp, WEF kỳ vọng sự kiện có thể tạo ra tác động hữu hình, biến ý tưởng thành hành động dứt khoát và hiện thực hóa các giải pháp trong thế giới thực.

1.4 EU lo ngại các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đẩy lạm phát gia tăng

Ngày 15/1, tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU), Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni cảnh báo rằng tình trạng bạo lực ở Biển Đỏ do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi nhằm vào các tàu đi qua Biển Đỏ, cảnh trở hoạt động vận tải biển có thể đẩy giá năng lượng và lạm phát trong liên minh tăng cao.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ông Gentiloni nhấn mạnh nền kinh tế bắt đầu năm nay với mức tăng trưởng chậm lại, mặc dù có một số tin tốt trên thị trường lao động, nhưng ngày càng xuất hiện mối lo ngại về những rủi ro suy thoái do căng thẳng địa chính trị gây ra. Những gì đang xảy ra ở Biển Đỏ dường như gây hiệu quả tiêu cực tới giá năng lượng và đẩy nhanh lạm phát. Quan chức EU nhấn mạnh tình hình cần được theo dõi rất chặt chẽ vì những hậu quả này có thể xảy ra trong những tuần tới.

anh tin bai

Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, ông Paolo Gentiloni.

Căng thẳng ở Biển Đỏ đã gia tăng sau khi Mỹ và Anh tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng này vào tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua Eo biển Bab al-Mandab, lối dẫn vào Biển Đỏ. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11/2023, các vụ tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào tàu thuyền đi qua khu vực đã ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại của thế giới khi nhiều công ty vận tải phải thay đổi lộ trình, làm căng thẳng về nguồn cung đang gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.

1.5. Năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử

2023 là năm nóng nhất kể từ khi các kỷ lục về nhiệt độ bắt đầu được ghi nhận từ năm 1850. Đây cũng là năm có nhiệt độ trung bình tất cả các ngày cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với nền nhiệt có thể vượt quá nhiệt độ của bất kỳ giai đoạn nào trong ít nhất 100.000 năm qua.

Đây là kết luận được nêu lên trong báo cáo do Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) công bố ngày 9/1. Theo đó khẳng định, 2023 là một năm có những cột mốc khí hậu khắc nghiệt đối với khả năng tồn tại của sự sống trên trái đất. Đây cũng là năm chứng kiến thời tiết phá kỷ lục bao gồm tháng nóng nhất từ trước đến nay và nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu nhanh chóng vượt mức tiền công nghiệp hơn 2°C vào tháng 11.

anh tin bai

Thảm họa cháy rừng thảm khốc ở Hawaii.

Kỷ lục này đã được xác nhận trong báo cáo “Điểm nổi bật về Khí hậu Toàn cầu năm 2023” do C3S công bố ngày 9/1, trong đó nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hành tinh của chúng ta. Báo cáo cũng đưa ra những nguyên nhân chính đằng sau những hiện tượng cực đoan xảy ra vào năm 2023, bao gồm việc tăng nồng độ khí gây hiệu nhà kính và hiện tượng El Niño.

2. Tin trong nước

2.1. Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar đầu tiên vào đầu năm 2025

TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, dự án phát triển vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam (LOTUSat-1) được triển khai từ năm 2021. Trong những năm qua, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã bám sát tiến độ thực hiện dự án. Dự kiến, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo.

anh tin bai

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1.

Để chuẩn bị cho việc khai thác vệ tinh sau khi phóng lên quỹ đạo, dự kiến tháng 9/2024, toàn bộ hệ thống mặt đất phục vụ cho vận hành vệ tinh sẽ được hoàn thiện tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Hòa Lạc (Hà Nội) để sẵn sàng đón nhận tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh. Theo TS. Lê Xuân Huy, vệ tinh radar có khác biệt lớn đối với vệ tinh quang học là chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng, cả ban ngày, buổi tối. Dữ liệu cung cấp từ vệ tinh radar này được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng cho Việt Nam trong điều kiện môi trường khí hậu có nhiều mây. Bên cạnh việc phát triển vệ tinh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng triển khai các lớp học chuyển giao công nghệ xử lý ảnh vệ tinh radar nhằm chuẩn bị sẵn sàng về mặt công nghệ, nhân lực cho các bộ, ngành, đơn vị để khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, các dữ liệu thu được sẽ được khai thác hiệu quả. Dự kiến vệ tinh sẽ hoạt động 5 năm trên quỹ đạo.

2.2. Vì Quốc kế dân sinh

Trước thềm xuân mới Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành thời gian chia sẻ với báo chí về những kết quả hoạt động trong năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV và những trọng tâm công tác của Quốc hội trong năm 2024. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2023 là một năm hoạt động bận rộn của Quốc hội với khối lượng công việc lớn, nhiều việc chưa có tiền lệ, tính chất công việc ngày càng khó và phức tạp hơn. Ông cũng nhấn mạnh thông điệp về một Quốc hội không ngừng đổi mới, ngày càng chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, linh hoạt, bám sát hơi thở của cuộc sống, luôn đặt người dân và doanh nghiệp là trung tâm.

anh tin bai

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: Năm 2023 là một năm hoạt động bận rộn của Quốc hội, với khối lượng hoạt động có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Các cơ quan của Quốc hội đã tận tâm tận lực làm việc, không có ngày nghỉ, lễ, tết với tinh thần chủ động, trách nhiệm cùng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc vì quốc kế dân sinh.

2.3 Năm 2024 quyết tâm tạo nhiều bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Ngày 5/1, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương đã được tổ chức.  Hội nghị đã nghe dự thảo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Các đại biểu ở Trung ương và địa phương, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các chuyên gia phát biểu tham luận, tập trung đánh giá khách quan, sâu sắc, sát thực tiễn, nhất là kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở các lĩnh vực khác nhau; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2024 và những năm tới.

anh tin bai

Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính

Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, vượt dự báo. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; công việc thường xuyên ngày càng nhiều, nhiều việc cấp bách, đột xuất phát sinh và tiếp tục giải quyết những tồn đọng, hạn chế kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và cùng nhau tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh; cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực cao nhất để hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

2.4 Năm 2023: GDP của Việt Nam tăng 5,05%.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu 6,5%, nhưng cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Số liệu vừa công bố sáng 29/12 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2023 tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

anh tin bai

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.

3. Tin trong tỉnh

3.1 Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023 là sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu toàn quốc năm 2023

Ngày 29/12/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023, trong đó có sự kiện Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023 được công nhận là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023.

Năm 2023, lần đầu tiên, Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu được tổ chức với chủ đề "Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người". Đây là minh chứng thiết thực thể hiện cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.

anh tin bai

Lễ Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại Lai Châu, năm 2023

Sự kiện còn tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để lan tỏa, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tới bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3.2 Lai Châu long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm chia tách, thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tối 06/01, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Lai Châu long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Đảng, Nhà nước trao tặng.

anh tin bai

Chương trình nghệ thuật Ký ức Lai Châu.

Dự lễ kỷ niệm, về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Trần Quốc Vượng - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phùng Quốc Hiển - Nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Bắc Ninh, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang và Thành phố Hồ Chí Minh.

3.3. Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV

Chiều 11/01, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 18. 

Hội nghị tiến hành thảo luận, thông qua báo cáo của Tỉnh ủy về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ năm 2024; báo cáo kết quả kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng bộ tỉnh năm 2023.

anh tin bai

Quang cảnh hội nghị

Trên cơ sở dự thảo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ năm 2024, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023; chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân chủ quan, khách quan; đề xuất, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2024. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng bộ tỉnh năm 2023.

3.4. Công bố quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sáng 23/1, tỉnh Lai Châu long trọng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu tại Hội nghị.

anh tin bai

Đồng chí Trần Hồng Hà - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Lai Châu, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Lai Châu.

Tại Hội nghị, đã công bố Quyết định số 1585/QĐ-TTg ngày 07/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực bên trong và bên ngoài, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đến năm 2050 phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.

4. Tin hoạt động Đảng ủy Khối

Chiều ngày 10/01/2024, tại Hội trường A3, Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Hội nghị đã đánh giá năm 2023 Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc đã bám sát nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối và nhiệm vụ chính trị được giao tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được chú trọng, công tác tuyên truyền thường xuyên được đổi mới, nâng cao bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với đặc thù hoạt động của Đảng bộ Khối, kịp thời sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy đảm bảo chất lượng, tiến độ; công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện toàn diện, kịp thời; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy ở cơ sở được quan tâm; hoạt động của các đoàn thể được đổi mới; các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết năm đạt và vượt, trong đó 5 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối. Bên cạnh đó cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

anh tin bai

Đồng chí Vũ Văn Lương – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ Khối tặng giấy khen cho các tổ chức cơ sở Đảng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tiêu biểu năm 2023

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả Đảng ủy Khối đã đạt được trong năm 2023, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và định hướng nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2024.

Tại Hội nghị Đảng ủy Khối đã biểu dương, khen thưởng 12 tổ chức cơ sở đảng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2023 và 12 đảng viên Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 05 năm liền (2019-2023).

II. VĂN BẢN MỚI

1. Văn bản của Trung ương

- Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

- Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;

- Quyết định số 139-QĐ/TW ngày 04/1/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư;

- Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông

- Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Văn bản của tỉnh

- Nghị quyết số 64/NQ-HĐND, ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2024;

- Hướng dẫn số 149-HD/BTGTU, ngày 03/01/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tuyên truyền kỉ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024,

- Hướng dẫn số 150-HD/BTGTU, ngày 08/01/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tuyên truyền kỉ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón tết nguyên đán Giáp Thìn,

- Hướng dẫn số 151-HD/BTGTU, ngày 08/01/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn hoạt động văn hóa, văn nghệ năm 2024,

- Hướng dẫn số 152-HD/BTGTU, ngày 16/01/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào Xuân Giáp Thìn 2024.

Tải file tại đâyTải về

BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI TỔNG HỢP
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập