ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Một số vấn đề về báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1939-1945 (Kỳ cuối)
Lượt xem: 104

Hình thức, thể loại báo chí phong phú, đa dạng

Mặc dù đây là thời kỳ thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai gia tăng đàn áp, bóp nghẹt tự do báo chí nhưng bên cạnh hệ thống báo chí bí mật là chủ yếu, Đảng ta chủ trương lợi dụng danh nghĩa công khai hợp pháp để xuất bản báo chí. Điều đó cho thấy Đảng đã tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để lãnh đạo công tác báo chí phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng và đã đạt được một số thành công cụ thể.

Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, ngày 12/7/1940, Nguyễn Ái Quốc viết: “Đảng tuy bí mật, song báo chí của Đảng lợi dụng những danh nghĩa khác nhau đã công khai xuất bản. Sau năm 1938, ở Nam Kỳ và bắc Kỳ, báo của Đảng hoàn toàn công khai và nhanh chóng trở thành những tờ báo có ảnh hưởng rộng lớn”.

Thời kỳ này, Đảng ta mà trực tiếp là các chi bộ trong các nhà tù, nhà ngục, căng lao động tiếp tục chủ trương ra báo để tuyên truyền, cổ động tranh đấu của tù nhân cộng sản, giác ngộ tù không cộng sản và binh lính. Có thể kể đến một số tờ báo tiêu biểu như Suối reo (Nhà tù Sơn La), Bình minh trên sông Đà (Nhà tù Hòa Bình), Dòng sông Công (căng Bá Vân), Đường nghĩa (căng Nghĩa Lộ), Thông reo (Nhà tù Chợ Chu), Tiến lên (Nhà tù Quảng Trị), Độc lập (Nhà tù Côn Đảo)… Thể loại báo chí trong tù có những đóng góp trong cuộc đấu tranh tư tưởng, rèn luyện khí tiết và cổ vũ cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù của những người cộng sản bị tù đày trong của nhà tù đế quốc.

Bên cạnh hệ thống báo chí của các tổ chức Đảng, Đảng ta chủ trương xây dựng và phát triển những tờ báo của mặt trận, của các tổ chức quần chúng. Chính vì thế, sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5/1941, cùng với sự ra đời và phát triển Mặt trận Việt Minh, Đảng chủ trương xuất bản tờ báo của mặt trận và tháng 8/1941, báo Việt Nam độc lập ra đời, mặc dù lúc đầu mang tính chất địa phương của Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng, nhưng dần phát triển thành báo của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Cao Bằng- Bắc Cạn, sau đó là của liên tỉnh Cao - Bắc- Lạng nhưng trên thực tế, ảnh hưởng của tờ báo vượt khỏi không gian vùng biên giới phía Bắc.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hội nghị tháng 9/1941 chủ trương xuất bản báo chí của Mặt trận Việt Minh và các tổ chức quần chúng trực thuộc. Nghị quyết nêu rõ: “Các cấp bộ phải giúp đỡ tờ báo của Việt Minh sắp xuất bản nay mai, phải vận động quần chúng ủng hộ về tài chính, phải tổ chức công tác liên tục, phải viết hay và vận động quần chúng viết bài cho tờ báo… phù hợp trình độ quần chúng và phải phản chiếu đời sống của nhân dân”.

anh tin bai

Báo Việt Nam độc lập

Thực hiện chủ trương đó, ngày 25/01/1942, báo Cứu quốc ra đời với tựa đề Cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh. Đến ngày 31/8/1945, báo xuất bản được 34 số và tiếp tục xuất bản trong kháng chiến chống thực dân Pháp với hệ thống báo Cứu quốc ở các khu và liên khu. Cùng với các tờ báo của Việt Minh các cấp, báo Cứu quốc trở thành một trong những vũ khí, công cụ để Việt Minh cổ động, tổ chức quần chúng đấu tranh giành chính quyền.

Ngôn ngữ sử dụng trong báo chí gần gũi, giản dị và dễ hiểu

Do trình độ đảng viên và nhất là quần chúng còn thấp nên báo chí muốn phát huy hiệu quả tuyên truyền vận động phải tuân theo nguyên tắc đại chúng. Bài vở cần viết ngắn gọn, lời văn giản dị, dễ hiểu, tránh những danh từ lủng củng, trừu tượng để phù hợp với trình độ quần chúng.

Về mặt này, Việt Nam độc lập cũng là tờ báo tiêu biểu. Ngôn ngữ, văn phong báo rất dễ hiểu, gần gũi với quần chúng, đặc biệt là những đoạn văn vần, thơ ca, dễ nhớ có tính chất như những khẩu hiệu, nói về tình hình thế giới, trong nước, về phương hướng hoạt động…

Cờ giải phóng, mặc dù là tờ báo mang đậm tính chất lý luận chính trị, nhằm vào đối tượng đảng viên là chủ yếu, nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn đề ra phương châm: “Phải viết sắc, gọn và thật ngắn, không thừa chữ và câu văn phải để người nông dân cũng hiểu được”. Vì vậy, mặc dù đề cập đến những vấn đề lý luận, chính trị hết sức quan trọng, trong báo Cờ giải phóng, đồng chí Trường Chinh thường dùng những hình ảnh dễ hiểu như hình ảnh “cái nhọt bọc sắp vỡ mủ” trong bài “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ”, số 7, ra ngày 28/9/1944, khi nói về mâu thuẫn Nhật- Pháp đầu năm 1945, hay hình ảnh “đánh vuốt đuôi một kẻ đã ngã…chém dao xuống nước hay đẩy một cái cửa bỏ ngỏ” phê phán Xứ ủy Nam Kỳ (Xứ ủy Giải Phóng) tiếp tục chĩa mũi nhọn vào thực dân Pháp, không thay đổi khẩu hiệu đấu tranh sau khi Nhật đã đảo chính Pháp (Cờ giải phóng số 15, ngày 17/7/1945).

Bên cạnh báo chí tiếng Việt cho quảng đại quần chúng, Đảng chủ trương xuất bản một số tờ báo bằng tiếng Pháp để tuyên truyền vận động tầng lớp viên chức, trí thức ở đô thị.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận quan trọng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc, Đảng chủ trương xuất bản báo bằng tiếng dân tộc để có thể tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Tháng 11/1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương chủ trương đối với đồng bào dân tộc thiểu số, phải dùng sách báo bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền có hiệu quả và mau lẹ. Tuy nhiên, chủ trương này chưa có điều kiện thực hiện.

anh tin bai

Báo Cứu quốc

Về đội ngũ người làm báo và nhiệm vụ của đảng viên, của các tổ chức Đảng, cán bộ Việt Minh

Đảng ta rất quan tâm xây dựng đội ngũ người làm báo, gồm cả những cán bộ, những bộ phận chuyên trách có kiến thức thực tế, có kinh nghiệm, có trình độ làm báo và đội ngũ cộng tác viên đông đảo ở các địa phương nhằm làm cho tờ báo vừa có tính chuyên nghiệp, vừa mang đậm hơi thở của cuộc sống, phản ánh hiện thực một cách sinh động.

Hội nghị lần Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/1941 chủ trương các ban chuyên môn từ cấp tỉnh ủy trở lên chuyên ra báo, đến Hội nghị toàn quốc của Đảng đề ra nguyên tắc bộ biên tập của báo phải có người chuyên trách đồng thời mỗi tờ báo phải có thông tin viên chịu trách nhiệm ở mỗi tỉnh.

Các tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên có nhiệm vụ giúp cho sự xuất bản báo chí, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Báo Việt Nam độc lập, số 115, ra ngày 10/01/1942 có bài “Mỗi một đồng chí V.M phải giúp báo phát triển” đề ra nhiệm vụ của cán bộ Việt Minh là tìm thêm người đọc báo, tìm thêm người mua báo, hô hào mọi người quyên tiền ủng hộ báo, tổ chức hội đọc báo, giảng báo, gửi tin tức cho báo. Báo Việt Nam độc lập, số 185, ngày 11/01/1944 đăng bài “Cán bộ và báo” nói về những nhiệm vụ của cán bộ trong việc ủng hộ vật chất, quảng bá cho tờ báo…

Nguồn tài chính bảo đảm cho báo chí cách mạng

Trong điều kiện hoạt động bí mật, việc ra báo thường gặp rất nhiều khó khăn về vật chất cho việc in ấn, cho đời sống của người làm báo…Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “làm báo bí mật là công việc rất khó khăn vì không dễ gì kiếm được nguyên liệu…”. Tài chính của Đảng thiếu thốn, nên việc quyên góp tài chính luôn đặt ra rất cấp thiết.

Năm 1940, Trung ương Đảng quy định chi bộ có nhiệm vụ bán sách báo của Đảng - cử những đồng chí đảng viên và quần chúng tốt đi giới thiệu và bán sách báo của Đảng để giải quyết phần nào những khó khăn đó. Đồng thời việc ra báo phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của những nhà hảo tâm, của quần chúng nhân dân. Chẳng hạn khi xuất bản báo Việt Nam độc lập, được sự ủng hộ của nhân dân Cao Bằng, sau đó là nhân dân khu giải phóng Cao - Bắc -Lạng, nhưng nói chung còn khó khăn thiếu thốn. Lường trước việc này, Nguyễn ái Quốc không ngần ngại nêu rõ khi xuất bản báo Việt Nam độc lập số đầu tiên: “Báo này một tháng ba kỳ. Giá báo một tháng một hào, một năm 1 đồng 2. Ai mua phải giả tiền trước”. “Muốn nấu cơm phải có gạo, muốn đọc báo phải giả tiền”. Và các số báo đều đăng danh sách quyên góp ủng hộ báo. Ngoài việc ủng hộ bằng tiền, giấy, mực, cán bộ và nhân dân còn ủng hộ báo và người làm báo bằng những hiện vật như gà, trứng gà, chè, đậu, gạo, đường, mật ong….nhờ thế, vượt qua muôn ngàn khó khăn, tờ báo có thể xuất bản được.

Tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay từ khi ra đời, Đảng cộng sản Việt Nam, sau đó là Đảng cộng sản Đông Dương đã nhận rõ tầm quan trọng của báo chí và hết sức chú ý đề ra những quan điểm, chủ trương chỉ đạo công tác báo chí phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng. Mặc dù chưa thực sự đầy đủ và toàn diện nhưng những quan điểm, chủ trương đó đã góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam đúng đắn về nội dung, phong phú về thể loại, hướng vào vận động nhiều đối tượng, có tính chiến đấu cao… Báo chí cách mạng giai đoạn 1939-1945 đã góp phần to lớn vào quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối chính trị trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi.


Nguồn bài viết: thinhvuongvietnam.com
Tác giả: Quỳnh Chi
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập