ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; NÂNG CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Đường lối và hoạt động ngoại giao của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp (Kỳ 1)
Lượt xem: 799
Trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài, để giữ gìn, củng cố chính quyền cách mạng, hạn chế các hoạt động chống phá của kẻ thù và mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực cũng như toàn thế giới, phá vỡ thế bao vây cô lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương đã chủ trương “Kiên trì ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “Bình đẳng và tương trợ”. Ngoại giao phải đặc biệt chú ý làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; ngoại giao muốn thắng lợi phải biểu dương thực lực. Xuất phát từ chủ trương đã đề ra, căn cứ thực tiễn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định đúng đắn và có sách lược ngoại giao phù hợp, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù

Đường lối ngoại giao của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định về những kẻ địch trên đất nước ta: Chúng mâu thuẫn với nhau về quyền lợi nhưng sẵn sàng thỏa hiệp với nhau hòng đè bẹp chính quyền cách mạng. Vì vậy ta phải lợi dụng mâu thuẫn để phân hóa, cô lập không cho chúng câu kết với nhau, ít nhất cũng phải trung lập được kẻ thù khi có cơ hội.

Nguyên tắc xuyên suốt trong ngoại giao là “Thêm bạn bớt thù”, vì vậy đối với Tưởng ta chủ trương “Hoa - Việt thân thiện”[1] với Pháp “thực hành độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”; trên phạm vi toàn thế giới “Đoàn kết với giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc”, tích cực ủng hộ Liên Xô vì mục tiêu hòa bình, dân chủ và độc lập tự do của các dân tộc.

Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, trên cơ sở chủ trương chung có tính chiến lược của thời kì 1945-1946, Trung ương Đảng, Chính phủ cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những chủ trương cụ thể với từng đối tượng.

Đối với Trung Hoa dân quốc, vì vào nước ta dưới danh nghĩa lực lượng Đồng Minh làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nên quân đội Trung Hoa dân quốc không dám công khai chống phá cách mạng. Hơn nữa, lúc này Trung Hoa dân quốc đang gặp khó khăn trong việc tập trung lực lượng đối phó với phong trào cách mạng ở trong nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Do đó, với quân đội Trung Hoa dân quốc, Đảng ta chủ trương “Hoa -Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc”, nhân nhượng về kinh tế với Trung Hoa dân quốc và nhân nhượng về chính trị với tay sai của chúng.

Đối với thực dân Pháp, vì đã có trên 80 năm thống trị ở Việt Nam, hiểu rõ nguồn lợi về mọi mặt ở nơi này nên ý chí quay trở lại xâm lược là rất lớn. Với nhũng hành động khiêu khích trắng trợn, tiêu biểu là sự kiện ngày 2/9 và ngày 23/9/1945, bộ mặt xâm lược của Pháp đã lộ rõ. Trong Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25/11/1945) Đảng ta xác định: “kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”, từ đó, chủ trương ngoại giao đối với Pháp là “độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”[2].

 

anh tin bai

Ký Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946 (Ảnh tư liệu)

Đối với kiều dân Pháp ở Việt Nam và Chính phủ Pháp: Với Chính phủ Pháp, nếu chủ trương thống trị, ta kiên quyết chống lại. Kiều dân Pháp, nếu họ chí thú làm ăn và tôn trọng sự độc lập của Việt Nam thì sinh mệnh và tài sản của họ vẫn được bảo vệ theo pháp luật quốc tế.

Đối với Lào và Campuchia: Lấy dân tộc tự quyết làm nền tảng lại càng phải chặt chẽ hơn nữa. Ba nước Đông Dương còn có nhiều mối liên hệ về kinh tế nên sẽ giúp đỡ lẫn nhau và sánh vai ngang hàng mà tiến lên.

Đối với Liên Xô và các nước lớn, các nước đồng minh chống Phát xít: Liên Xô là bạn đồng minh của cách mạng Việt Nam, là một người bạn rất đáng tin cậy. “Việt Nam hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái”[3].

Đối với các nước khác trên thế giới: Bạn thân nhất của ta bên ngoài là các dân tộc thuộc địa và bán thuộc địa tranh đấu vì quyền tự do, độc lập. Bạn của dân tộc Việt Nam còn là các lực lượng dân chủ tiến bộ trên khắp thế giới.

Từ năm 1937 đến năm 1949 là giai đoạn Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh hoạt động ngoại giao tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.

Đối với thực dân Pháp, ta chủ trương: “liên hiệp với dân tộc Pháp”, dù chiến tranh đã nổ ra nhưng với quan điểm hòa bình, Đảng và Hồ Chí Minh chủ trương không bỏ lỡ cơ hội chấm dứt chiến tranh bằng biện pháp thương lượng trên cơ sở Pháp phải tôn trọng nền độc lập, thống nhất của nước Việt Nam: “phải lợi dụng hết khả năng ngoại giao, làm cho cuộc đổ máu Việt - Pháp rút ngắn lại”[4]. Đảng chủ trương lập lại ngay nền hoà bình để tránh cho hai nước phải hao người thiệt của và để gây lại sự cộng tác và thân thiện giữa hai dân tộc.

Đối với Lào và Campuchia, ta chủ trương đoàn kết với hai dân tộc Miên - Lào và các dân tộc bị áp bức trong khối Liên hiệp Pháp, hình thành liên minh chiến đấu với Lào và Campuchia.

Đối với các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, Trung ương Đảng chỉ rõ Đông Dương hiện nay bị hãm trong vòng vây của đế quốc chủ nghĩa, nhiệm vụ là phải liên minh với các dân tộc bị áp bức và vô sản trên thế giới, đặc biệt là các nước lân cận để củng cố công cuộc cách mạng của mình. Tháng 9/1947, khi trả lời nhà báo Mĩ S.EliMaissie về câu hỏi: “Những đại cương chính sách đối ngoại của nước Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Chính sách đối ngoại của nước ta là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[5].

Đối với các nước khác trên thế giới, ta chủ trương “Thân thiện với các dân tộc Tàu, Xiêm, Miến Điện, Ấn Độ, Nam Dương và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới”. Bản báo cáo “Chúng ta chiến đấu cho độc lập và dân chủ” tại Hội nghị cán bộ lần thứ 5 (8/1948) khẳng định: về ngoại giao, chính quyền nhân dân thân thiện với Liên Xô và mật thiết liên lạc với các nước dân chủ mới.

Đối với Mỹ, Đảng nhận thấy khả năng can thiệp của Mỹ vào Đông Dương nhưng đó chưa phải là nguy cơ trực tiếp. Vì thế, về sách lược, ta cần tuyên bố thân thiện với Mỹ.

Ngày 18/1/1950, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc tuyên truyền chính sách ngoại giao của Chính phủ, nêu rõ: Trước tình hình mới, Trung ương đã quyết định: “Chính phủ ta tỏ thái độ rõ rệt đứng vào hàng ngũ dân chủ thế giới”[6]. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần II (2/1951) Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ đối ngoại là phục vụ công cuộc kháng chiến để tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh đổ can thiệp Mỹ.

Với các nước Đông Dương, “Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Lào, Campuchia và hết lòng giúp đỡ Lào và Campuchia cùng nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương”[7].

Với các nước Xã hội chủ nghĩa: Đoàn kết chặt chẽ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác.

Với các nước khác trên thế giới: Hợp tác thân thiện, tự do và bình đẳng với chính phủ và nhân dân các nước.

Với phong trào giải phóng dân tộc: Tích cực ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ hòa bình dân chủ thế giới; chống bọn gây chiến.

 

anh tin bai

Trang đầu bản Hiệp định Sơ bộ (Ảnh tư liệu)

Hoạt động ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Giai đoạn từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946

Đối với Trung Hoa Dân quốc: Chúng ta tiến hành đấu tranh ngoại giao với Trung Hoa Dân quốc một cách khôn khéo nhưng kiên quyết nhằm hạn chế sự phá hoại của chúng. Ngày 11/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động đến gặp Tiêu Văn và yêu cầu hợp tác với ta để giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ Hoa-Việt. Ngày 23/9/1945 được tin Pháp và Anh tấn công Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Lư Hán yêu cầu Trung Quốc không làm cho miền Bắc lâm vào tình hình tương tự. Đầu tháng 10/1945 khi quân Trung Hoa Dadn quốc đến Hà NộI, ta đã tổ chức một cuộc mít tinh 30 vạn người đế tiếp đón với các khẩu hiệu “Hoa - Việt thân thiện”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”[8]. Ngày 8/10/1945, nhân ngày kỉ niệm quốc khánh Trung Hoa dân quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định sẽ treo cờ Trung Hoa và đích thân Người dẫn đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đến dự lễ kỷ niệm.

Tại phiên họp đầu tiên Quốc hội (2/3/1946), ta đồng ý cho người của Trung Hoa dân quốc 70 ghế trong Quốc hội và 4 ghế trong Chính phủ không qua bầu cử. Đồng thời ta cũng nhân nhượng một số quyền lợi về kinh tế: Cung cấp một phần lương thực, thực phẩm, chấp nhận tiêu tiền Quan kim, Quốc tệ đã mất giá.

Tháng 3/1946, quân Trung Hoa dân quốc và tay sai lần lượt rút về nước. Sau Hiệp định Sơ bộ, ta cử phái đoàn sang thăm Trung Hoa dân quốc. Sự nhân nhượng có nguyên tắc trên đã hạn chế và vô hiệu hóa đến mức thấp nhất các hoạt động chống phá của quân đội Trung Hoa dân quốc và tay sai, làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng. Cũng nhờ đó, chúng ta mới có điều kiện tập trung lực lượng kháng chiến chống Pháp ở miền Nam.

Đối với thực dân Pháp: Từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, đại diện chính phủ Pháp và Việt Nam đã có những cuộc gặp gỡ. Tháng 11/1945, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp xúc với phía Pháp, nêu rõ lập trường của Việt Nam là sẽ có những nhượng bộ đối với Pháp về phương diện kinh tế, văn hóa, nhưng yêu cầu Pháp chấm dứt ngay chiến sự ở miền Nam, thừa nhận nền độc lập toàn vẹn của Việt Nam và tạo không khí thuận lợi cho việc đàm phán.

Ngày 25/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Sainteny. Người nêu rõ lập trường của Việt Nam trong quan hộ Việt - Pháp là độc lập và hợp tác. Lập trường của Sainteny chỉ coi Việt Nam là một nước tự trị nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Đây là lập trường đối lập cơ bản giữa chính phủ ta và chính phủ Pháp. Sau nhiều lần thương lượng, chiều ngày 6/3/1946, tại ngôi nhà số 38 Lý Thái Tổ (Hà Nội) Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí với Sainteny bản Hiệp định Sơ bộ, đặt cơ sở cho việc đàm phán giữa hai bên để đi đến một hiệp định chính thức.

Ngày 23/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Cao ủy Pháp Thierry d'Argenlieu ở vịnh Hạ Long và thoả thuận họp hội nghị ở Đà Lạt, tạo điều kiện đàm phán chính thức ở Paris. Ngày 19/4/1946, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn và đoàn đại biểu nước Pháp Max André họp Hội nghị trù bị ờ Đà Lạt để chuẩn bị cho Hội nghị chính thức ở Fontainebleau.

Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách. Phái đoàn Chính phủ ta do Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Pháp dự Hội nghị chính thức. Ngày 6/7/1946, Cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên chính phủ Việt Nam và Pháp bắt đầu khai mại tại Fontainebleau (cách thủ đô Paris 60km). Cuộc đàm phán kéo dài hơn hai tháng (từ 6/7 đến 10/9/1946) cuối cùng đã không đi đến thỏa thuận nào do lập trường hai bên khác xa nhau.

Ngày 14/9/1946, trước khi lên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với đại diện chính phủ Pháp Marius Moutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại bản Tạm ước 11 điều khoản, nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hóa. Tạm ước 14/9 là sự nhân nhượng cuối cùng của dân tộc ta. Đây cũng là giải pháp đối ngoại tối ưu để bảo vệ thành quả cách mạng, tranh thủ thêm thời gian chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp.


Nguồn bài viết: thinhvuongvietnam.com
tác giả: VTD (Còn tiếp)
Phim tư liệu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Khối thời gian qua
  • Đổi mới công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ Khối
  • Đảng uỷ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu bền vững và phát triển
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ
  • Học tập và làm theo Bác trong Đảng ủy Cục Quản lý thị trường
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập