Sau thời gian thi tuyển, địa phương đã tìm được phương án giải Nhất trúng tuyển thiết kế kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa.
Ngày 31.7, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa.
Trước đó, Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa đã tiến hành phân tích, đánh giá cho từng phương án dự thi. Kết quả, đã chọn được 1 phương án đạt giải Nhất mã DH10, 2 phương án đạt giải Ba (không có giải Nhì) và 2 phương án được nhận kinh phí hỗ trợ.
Theo kết quả mà địa phương phê duyệt, giải Nhất mã HD01 của Công ty TNHH HUNI Việt Nam (Huni Architectes) là phương án trúng tuyển thiết kế kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa.
Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đánh giá, công trình Bảo tàng Trường Sa là công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh và gắn liền với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Mục đích xây dựng công trình nhằm có thêm một điểm tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử để góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho các thế hệ, tầng lớp nhân dân. Qua việc thi tuyển phương án kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa, đã chọn ra được một phương án có thiết kế đẹp, phù hợp với các tiêu chí đặt ra.
Theo Huni Architectes, về ý tưởng hình khối, cảm hứng thiết kế công trình xuất phát từ khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, nơi không gian ngầm với 64 bông hoa tượng trưng cho các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc. Những dòng chảy nhiệt huyết tuôn ra từ lòng đất mẹ, chuyển mình vươn lên tượng trưng cho tinh thần quật cường của con người Khánh Hòa, con người Việt Nam. Chính dòng chảy đó đã định hình nên hình khối chủ đạo của công trình, kiến thiết nên 3 hướng nhìn chính về phía đảo Gạc Ma; về phía đảo Trường Sa lớn và hướng về phía biển Đông.
Bên trong bảo tàng, việc bố trí những khoảng thông tầng tăng dần theo độ cao kết hợp với việc thu hẹp và đột ngột mở rộng không gian trưng bày nhằm dẫn dắt hành trình cảm xúc tuyến thăm quan, tạo nên ấn tượng thị giác cho du khách và nhận thức về chiều sâu.
Việc tổ chức, thiết kế không gian trưng bày riêng biệt và tương ứng với từng loại chủ đề, kết hợp với hiệu ứng chiếu sáng và các công nghệ trưng bày, trình chiếu hiện đại tạo nên không gian bảo tàng hấp dẫn.
Tổng thể công trình như dòng chảy, tiếp nối liền mạch những giá trị về tinh thần và không gian kiến trúc - cảnh quan của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Hành trình đi qua các không gian chính là hành trình du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử.
Để mỗi góc công trình, mỗi mảng tường đều là một hiện vật, để bảo tàng không chỉ là một công trình vô tri xây nên từ gạch đá, mà là một “nhân chứng sống động” chứa đựng tinh thần và tâm hồn Trường Sa.
Công trình Bảo tàng Trường Sa sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,71ha, tiếp giáp với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm). Kinh phí thi tuyển thiết kế và xây dựng do doanh nghiệp tư nhân tài trợ. Khi hoàn thành, Bảo tàng Trường Sa sẽ khớp nối với Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (hoạt động từ năm 2017) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng trên diện tích hơn 20.000m2 với tổng mức đầu tư gần 130 tỉ đồng.
Ban đầu, toàn bộ số tiền xây Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức lao động trên cả nước ủng hộ thông qua Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động từ Chương trình nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa.