1. Đáng mừng là, gần đây ở nước ta, nhiều người quan tâm về tình hình chính trị của Việt Nam, nhất là quan tâm về Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Đảng diễn ra ở Hà Nội từ ngày 18-9-2024, đặc biệt có một số người đã để tâm theo dõi và đọc khá kỹ các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Qua đó, “phát hiện” ra nhiều điểm mới về tư duy lý luận, về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và xây dựng đội ngũ cán bộ trong “kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân dộc”, tạo ra “một thời đại mới” mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm không ít lần đã đề cập tới trong các bài viết, bài phát biểu của mình; thậm chí có người còn so sánh một số quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với quan điểm của người tiền nhiệm là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi cho rằng đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất muốn “đổi mới lần hai” với các bước đi, quyết sách mới để “khắc phục sự giáo điều”, “sự chậm chễ trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội” của người tiền nhiệm với hy vọng sớm “về đích” tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, hướng đến 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045; đưa “Việt Nam cất cánh”, mở ra “thời đại mới” ghi dấu ấn của riêng mình…
Xung quanh các vấn đề thời sự chính trị nêu trên, trong xã hội ta có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, phần đông các ý kiến của người dân đồng tình ủng hộ các quan điểm, quyết sách đúng đắn của Đảng, ý kiến phát biểu hợp lòng dân của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm – người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta, chịu trách nhiệm chính trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân và dân tộc.
Thế nhưng, một số ý kiến còn băn khoăn, tỏ ra hoài nghi, bi quan, cho rằng quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “nói trước sẽ bước không qua”, “nói nhiều, nói lắm nhằm đánh bóng tên tuổi của mình”, đã “phủ nhận sạch trơn quan điểm của người tiền nhiệm là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”…
Loại ý kiến này không có ý thức xây dựng, đã đem những câu chuyện, những quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đối lập với quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm phê phán ý kiến, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, cho rằng “Ông Tô Lâm nóng vội, chủ quan, duy ý chí, áp đặt ý kiến cá nhân”.
2. Sự bình luận, tung tin kiểu dạng thức này là rất nguy hiểm, gây ô nhiễm bầu không khí chính trị ở nước ta, tạo ra các luồng dư luận trái chiều; làm cho người dân “nhẹ dạ cả tin” nghi ngờ vào sự lãnh đạo của Đảng, đối lập quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư đương nhiệm với đồng chí cố Tổng Bí thư đã vĩnh biệt chúng ta. Thực chất của loại ý kiến này là phủ nhận tất cả quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Qua đó, phủ nhận chủ trương, đường lối của Đảng; cản trở sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta; không muốn quân và dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; không muốn Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta hướng đến chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước. Họ muốn lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa theo sự mong muốn, sự ảo vọng, ảo tưởng của họ đã có từ trước đây.
Hơn thế, có một số ý kiến dưới dạng “tâm thư”, “kiến nghị” với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; qua đó đề đạt nhiều quan điểm rất mới trên cái nền đã cũ với đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đại ý rằng Đảng phải “lột xác”, phải “tự đổi mới hơn nữa”, “phải đẩy mạnh đổi mới chính trị”, rằng “Đảng phải vượt qua giới hạn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội gần 40 năm qua không hiệu quả”, “phải từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin”, “làm mới tư tưởng Hồ Chí Minh”, rằng “Đảng phải khắc phục sự giáo điều trong tư duy lý luận”, “phải tìm ra lý thuyết mới để phát triển đất nước”, v.v..
3. Phải nói ngay rằng, các ý kiến, quan điểm ủng hộ Đảng ta và khuyến khích đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là đổi mới chính trị để đưa đất nước ta “cất cánh”, “sớm trở thành con hổ, con rồng châu Á” là đúng, đáng hoan nghênh vì nó làm cho “nước ta sánh vai với các cường quốc, với năm châu” như lời Bác Hồ căn dặn; thậm chí một số “ý kiến đề xuất có quan điểm mới lạ” nhưng có ý thức xây dựng, Đảng ta coi đó là sự tham mưu, tư vấn “có chất lượng”, cần nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc, nếu thấy ý kiến ấy là hợp lý, hợp tình; có lợi cho dân, cho nước, thì đương nhiên, Đảng ta sẽ tiếp thu để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng; Nhân dân ta có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Điều ấy hợp lòng dân – ý Đảng, tại sao lại không tiếp thu. Ai đó biện minh, vu khống Đảng ta gây khó, cản trở những ý kiến đóng góp thiện chí là luận điệu xuyên tạc sự thật.
Tuy nhiên, cần phân biệt cho rõ rằng, ý kiến tham mưu, tư vấn “có thiện chí” là tốt, cần khuyến khích, cần phát huy nhưng Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không chấp nhận loại ý kiến lợi dụng dân chủ, nhân quyền, phát biểu thiếu ý thức xây dựng, chỉ “nói cho sướng miệng”, hay “phát ngôn bừa bãi” nhằm gây sốc dư luận, nói xấu Đảng, bôi nhọ danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; làm vẩn đục bầu không khí chính trị ở nước ta. Đây là điều không hợp đạo lý và pháp lý, cần phải nghiêm trị theo pháp luật.
Ai đó lợi dụng “đổi mới” để “yêu cầu Đảng ta đổi mới chính trị”, “đổi mới mạnh mẽ về thể chế” với dụng ý “gạt bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” hay “thu nhỏ sự ảnh hưởng của Đảng đối với Nhà nước và xã hội” là quan điểm thiếu thực tế, thoát lý tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam; không hiểu biết tường tận nguyên tắc của quá trình đổi mới của Đảng ta, nhất là từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay. Thực tế chỉ ra rằng, qua 8 kỳ Đại hội Đảng với gần 40 năm Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, tư duy lý luận, nhận thức mới của Đảng ta “không đứng yên tại chỗ”, “bất biến” mà luôn vận động, phát triển không ngừng, trở thành Lý luận về đường lối đổi mới với những thành tựu phát triển nhận thức lý luận rất đặc sắc.
4. Hãy nhìn lại thành quả 40 năm đổi mới đất nước thì biết ngay đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đi vào đời sống thực tế như thế nào. Nếu Đảng không làm được như vậy thì tại sao Nhân dân ta lại có được cơ ngơi, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế to lớn như ngày nay; làm cho bộ mặt quốc gia – dân tộc đổi mới như hiện nay. Ai đó cố tình vu khống, áp đặt ý kiến chủ quan rồi “khuyên” Đảng ta phải đổi mới như thế này, như thế khác thì thật nực cười. Đảng ta không đứng im tại chỗ. Mọi quan điểm, quyết sách chính trị của Đảng đều được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; được khảo sát thực tế kỹ lưỡng và thảo luận nghiêm túc trước khi đúc kết, khái quát thành hệ thống quan điểm, lý luận, chính sách; từ đó, mới ban hành và tổ chức thực hiện. “Kiến nghị”, “lời khuyên” Đảng ta đổi mới là những ý kiến đề xuất, là sự mong muốn, nó đều được Đảng ta xem xét, chọn lọc để tiếp thu; hệ quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã và đang được Đảng ta kế thừa, bổ sung và phát triển, nhất là trong xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIV.
Nhưng tuyệt nhiên, ai đó mượn “lời khuyên”, “kiến nghị” cá nhân mà thực hiện dụng ý xấu xa, lái nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa, bị “đổi màu”, “đổi hướng”, đi sang con đường tư bản chủ nghĩa thì “lời khuyên”, “kiến nghị” ấy không có chỗ đứng trong lòng Nhân dân, không cần cho Đảng ta – một Đảng dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Nhân dân ta tin tưởng, đi theo Đảng suốt 94 năm qua. Đảng và Nhân dân ta biết sẽ phải làm gì, làm như thế nào cho đúng nguyên tắc để đưa đất nước tiến lên, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; Đảng và Nhân dân ta biết sẽ phải làm gì để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong thời đại mới, đúng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm – người đứng đầu Đảng ta đã khẳng định. Rõ ràng là, đổi mới phải đúng nguyên tắc, không thể làm liều, làm bừa./.